Sửa đổi, bổ sung quy định về đấu thầu nội khối, đấu thầu quốc tế theo Hiệp định CPTPP

17/01/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Quy định về đấu thầu nội khối, đấu thầu quốc tế
Theo quy định của Nghị định số 09, khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm phải tổ chức đấu thầu nội khối theo quy định, trừ trường hợp người có thẩm quyền xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế để mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án, gói thầu.
Trường hợp tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp dịch vụ, cơ quan mua sắm thực hiện như sau:
Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu;
Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu;
Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ireland tham dự thầu;
Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ thuộc mã CPC 75231 (các dịch vụ mạng dữ liệu), CPC 75232 (các dịch vụ thông tin và tin nhắn điện tử), CPC 84 (dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan) quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu thuộc các nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu, hoặc chỉ cho phép nhà thầu trong nước tham dự thầu.
Trường hợp tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp hàng hóa, cơ quan mua sắm thực hiện như sau:
Đối với gói thầu cung cấp hành hóa quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên tham dự thầu;
Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP, các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ireland tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà  thầu thuộc các nước thành viên Hiệp định CPTPP chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu.
Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP, các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ireland tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ireland chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ireland tham dự thầu.
Điều kiện để công nhận nhà thầu đạt tư cách hợp lệ bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu
Nghị định số 09 bổ sung 2 điều kiện để công nhận nhà thầu đạt tư cách hợp lệ. Theo đó, nhà thầu là tổ chức, cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định số 95/2020/NĐ-CP và thêm điều kiện: Không chịu phán quyết cuối cùng của tòa án về việc phạm tội nghiêm trọng hoặc các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác trong vòng 3 năm trước thời điểm đóng thầu; không có bằng chứng về việc nhà thầu có hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp trong vòng 3 năm trước thời  điểm đóng thầu.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung Khoản 7 vào Điều 7 về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu. Nghị định quy định trường hợp đối với tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam, nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn và là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn thì tập đoàn, các công ty con của tập đoàn được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau. Nhà thầu tham dự thầu không phải đáp ứng quy định độc lập về pháp lý và tài chính đối với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó nếu nhà thầu tư vấn cũng là công ty con thuộc tập đoàn.
 

Xem thêm »