Vay trên 30 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm mới phải có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo đảm tiền vay

28/01/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 23/1, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 15/2008/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 5/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm.

Quyết định 15/2008/QĐ-TTg sửa đổi điều kiện được vay vốn đối với hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp sản xuất, hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ trang trại, Trung tâm Giáo dục Lao động-Xã hội (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh). Theo đó, đối với dự án có mức vay trên 30 triệu đồng mới phải có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định hiện hành hoặc bảo đảm tiền vay theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong khi theo Quyết định 71/2005/QĐ-TTg, các dự án phải có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định của pháp luật. Thay cho quy định cũ về việc hộ gia đình vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi vay vốn thực hiện dự án, Quyết định sửa đổi chỉ yêu cầu các đối tượng này cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án. Ngoài điều kiện dự án vay vốn phải có xác nhận của chính quyền địa phương, quy định mới chấp nhận cả trường hợp xác nhận của cơ quan thực hiện chương trình địa phương nơi triển khai dự án.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay mức tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án và không quá 20 triệu đồng/1 lao động được thu hút mới.

Quyết định mới nêu rõ, các đối tượng vay vốn khi có nhu cầu vay vốn phải xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội ở địa phương thay vì theo hướng dẫn của cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách Xã hội địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định bảo đảm các chỉ tiêu về tạo việc làm mới và bảo tồn vốn, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án.

Quyết định 15/2008/QĐ-TTg cũng dành khoản 1, Điều 12 quy định rõ về việc xử lý nợ quá hạn. Theo đó, nợ quá hạn không phải do các nguyên nhân bất khả kháng và không thuộc đối tượng được giải quyết cho gia hạn nợ, người vay vốn phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi về Ngân hàng Chính xách Xã hội. Đến hạn cuối cùng, người vay không làm thủ tục đề nghị và không được cho gia hạn nợ thì Ngân hàng Chính xách Xã hội chuyển sang nợ quá hạn. Ngân hàng Chính xách Xã hội thực hiện việc đôn đốc và phối hợp với các cơ quan liên quan thu hồi nợ. Trường hợp khó khăn trong việc thu hồi, Ngân hàng Chính sách Xã hội báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án để có biện pháp thu hồi tích cực hoặc chuyển hồ sở sang cơ quan pháp luật để xử lý thu hồi theo luật định.

(Theo website Chính phủ)

Xem thêm »