Quy định mới về nội dung và mức chi công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

28/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 với tổng nguồn vốn thực hiện cho cả giai đoạn là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 48.000 tỷ đồng, gồm 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 28.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp; vốn ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng, gồm 1.700 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 10.990 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Để tạo cơ sở pháp lý quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình tiết kiệm, hiệu quả, ngày 28/7/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2022/TT-BTP quy định, hướng dẫn về các nội dung và mức chi cụ thể.

Ngoài một số nội dung và mức chi chung, Thông tư đã hướng dẫn nội dung và mức chi cụ thể đối với các nội dung về hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo;  hỗ trợ phát triển sản xuất, cản thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư đã quy định nội dung và định mức chi công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bao gồm:
(i) Chi sản xuất, biên tập các chương trình, tọa đàm, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí dưới hình thức bản in, bản điện tử và các phương tiện truyền thông khác); chi phí truyền dẫn, phát sóng các sản phẩm phát thanh, truyền hình trên các nền tảng khác nhau; chi mua, sản xuất, nhân bản, phát hành, sửa chữa các sản phẩm truyền thông, thông tin khác (tờ rơi, áp-phích, pa-nộ, khẩu hiệu, đoạn bằng hình (video, clip…) để tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền do Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ truyền thông căn cứ nhiệm vụ được giao và dự toán kinh phí chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, chương trình truyền thông đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.
(ii) Chi tiền công biên tập các nội dung truyền thông tại cộng đồng: 100.000 đồng/tin, bài dưới 350 từ; 150.000 đồng/tin, bài từ 350 từ đến dưới 600 từ; 200.000 đồng/bài từ 600 từ trở lên; tiền công phát thanh viên: 60.000 đồng/người/buổi.
(iii) Chi trả nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; thù lao cho người tham gia có liên quan phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền: Mức chi theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2014 của Chính phủ; Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ.
(iv) Chi thù lao báo cáo viên tại các buổi tọa đàm, giao lưu, các lớp giáo dục truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC.
(v) Chi phổ biến, giáo dục pháp luật: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP.
(vi) Chi tư vấn, hướng dẫn tại cộng đồng: Hỗ trợ chi phí đi lại theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC; chi tiền công tư vấn: 15.000 đồng/người được tư vấn/lần tư vấn, tối đa 300.000 đồng/người tư vấn/tháng;
(vii) Chi tổ chức mít tinh, tháng hành động, chiến dịch truyền thông, chiến dịch truyền thông lồng ghép: Hỗ trợ những người tổ chức, giám sát thực hiện chiến dịch, vận động và tư vấn (ngoài chế độ công tác phí hiện hành): 50.000 đồng/người/buổi; tiền công cho người trực tiếp tham gia chiến dịch: 50.000 đồng/người/buổi; tiền công phát thanh viên: 60.000 đồng/người/buổi; hỗ trợ chi phí xăng xe: 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm tổ chức; chi thuê phương tiện, trang trí, ảnh tư liệu, thuê hội trường, phông, bạt, bàn, ghế, thiết bị âm thanh, máy chiếu, máy vi tính và các chi phí hợp lý khác. Mức chi theo hợp đồng và chứng từ chi tiêu hợp pháp, trong phạm vi dự toán được duyệt.
(viii) Chi tổ chức các cuộc thi phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến; tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan, trình diễn: Chi đăng báo và thông tin trên các phương tiện truyền thông do Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ quyết định các nội dung chi phù hợp, mức chi theo hợp đồng và chứng từ chi tiêu hợp pháp, trong phạm vi dự toán được giao; chi thuê phương tiện đi lại, hội trường, trang thiết bị; thuê dẫn chương trình; chi biên soạn đề thi, đáp án, thù lao cho ban giám khảo, ban tổ chức; chi giải thưởng cho cá nhân, tập thể, thuê văn nghệ, diễn viên; hỗ trợ tiền ăn, thuê phòng nghỉ cho thành viên ban tổ chức, thành viên hội đồng, thí sinh; nghệ nhân, diễn viên áp dụng quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTPThông tư số 40/2017/TT-BTC và thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn, chứng từ hợp pháp; chi thù lao cho các hoạt động tập luyện, biểu diễn của nghệ nhân, diễn viên tham gia cuộc thi thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 46/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL; chi khác phục vụ cuộc thi theo các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn, chứng từ hợp pháp; trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Xem thêm »