Ngày 29/8/2022, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 5235/QĐ-TLĐ quy định về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (gọi tắt là Hội đồng TLĐ). Theo đó, thành phần của Hội đồng TLĐ bao gồm 12 thành viên: Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương; Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; Đồng chí Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn là Phó Chủ tịch Hội đồng; các ủy viên là đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Tổng Liên đoàn (Ban Chính sách; Ban Đối ngoại; Ban Tổ chức; Ủy ban Kiểm tra; Ban Nữ công; Ban Tài chính; Ban Tuyên giáo; Viện Công nhân và Công đoàn; Trường Đại học Công đoàn).
Quyết định nêu rõ, Hội đồng có 06 nhiệm vụ, quyền hạn: (i) Tham mưu các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đoàn Tổng Liên đoàn trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; (ii) Tư vấn giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xây dựng và triển khai kế hoạch, hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động tới các cấp công đoàn; (iii) Hướng dẫn việc thực hiện, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tới các cấp công đoàn; (iv) Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động (xác định rõ nội dung pháp luật trọng tâm, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động; sử dụng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với công nhân, viên chức, lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; đẩy mạnh truyền thông về chính sách, pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; thường xuyên tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho thành viên của Hội đồng, đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Tổng Liên đoàn; tích cực thực hiện xã hội hóa cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật); (v) Tham mưu lãnh đạo Tổng Liên đoàn là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương giao và các hoạt động phối hợp với các thành viên khác của Hội đồng trung ương; (vi) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cấp công đoàn; đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng TLĐ, Quyết định quy định Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn: (i) Chỉ đạo, điều hành chung hoạt động của Hội đồng; chịu trách nhiệm trước Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương về mọi hoạt động của Hội đồng; (ii) Ban hành Quyết định phê duyệt: Thành viên và Quy chế hoạt động của Hội đồng; chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; (iii) Phân công nhiệm vụ cho Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng; triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng; thực hiện chế độ báo cáo về tổ chức và hoạt động của Hội đồng.
Về chế độ làm việc của Hội đồng TLĐ: Các thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; Chủ tịch Hội đồng sử dụng con dấu của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn là đơn vị thường trực của Hội đồng, tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng theo quy định. Kinh phí hoạt động của Hội đồng được bố trí từ nguồn tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn cấp hàng năm./.
Hoàng Hồng Sen
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật