Đây là một trong những nguyên tắc thực hiện trong công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp được quy định tại Thông tư số 14/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tư vấn nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho người học về ngành, nghề đào tạo, nhu cầu lao động của xã hội đối với ngành, nghề đào tạo; giúp người học lựa chọn ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo phù hợp với khả năng, sở trường và nguyện vọng của bản thân.
Hoạt động này nhằm mục đích: (i) Giúp người học tự nhận thức về khả năng, sở thích, sở trường và nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân; có kiến thức, hiểu biết về thế giới nghề nghiệp, việc làm trong xã hội; xu hướng ngành, nghề việc làm trong tương lai để lựa chọn ngành, nghề học phù hợp; (ii) Nâng cao nhận thức của người học về thái độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch học tập và phát triển năng lực nghề nghiệp; (iii) Góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.
Thông tư quy định một số nội dung về tư vấn nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cụ thể như sau:
Về nội dung tư vấn nghề nghiệp: (i) Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học có nhu cầu học giáo dục nghề nghiệp: Về tầm quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề học; cách thức phát hiện thế mạnh bản thân và nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp; ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo; thông tin về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tìm hiểu các chính sách, chế độ khi lựa chọn học nghề; nhu cầu nhân lực từ thị trường lao động; (ii) Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học đang học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Về phương pháp, kỹ năng hoạch định kế hoạch định hướng nghề nghiệp cho tương lai và một số kỹ năng cần thiết cho người học để hình thành thái độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch học tập và phát triển năng lực nghề nghiệp; các chế độ, chính sách cho người lao động liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo; thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động đối với ngành, nghề người học đang theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; (iii) Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học sau tốt nghiệp có nhu cầu học ngành nghề khác hoặc có nhu cầu học trình độ cao hơn: Về ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo; thông tin về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; một số kỹ năng chuyển đổi, thích ứng linh hoạt cho người học; (iv) Các nội dung tư vấn nghề nghiệp khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Về hình thức triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp: (i) Tổ chức chương trình, hành trình, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho người học; (ii) Tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp; (iii) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho người học thông qua các hoạt động câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm về ngành nghề; các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giao lưu tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị sử dụng lao động; (iv) Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp và tư vấn nghề nghiệp thông qua các tiết học, chương trình hướng nghiệp; (v) Tổ chức thông tin, tư vấn nghề nghiệp cho người học thông qua video clip, hình ảnh; qua tài liệu, ấn phẩm và các phương tiện truyền thông; (vi) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn nghề nghiệp giáo dục nghề nghiệp; (vii) Phối hợp với tổ chức Đoàn, Hội trong việc triển khai các hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, học sinh; (viii) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2022./.
Lê Nguyên Thảo
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật