Giới thiệu Thông tư liên tịch số 36/2008/TTLT-BTC-BTP sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm

05/05/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 28/4/2008, Lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ký Thông tư liên tịch số 36/2008/TTLT-BTC-BTP sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 10/01/2007 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.

Thông tư liên tịch số 36/2008/TTLT-BTC-BTP được ký ban hành xuất phát từ sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP với những lí do sau:
(1) Sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành Thông tưsố 07/2007/TT-BTP hướng dẫn về thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản kê biên tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thì so với thời điểm ban hành Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP, nhiệm vụ của các Trung tâm Đăng ký đã được bổ sung thêm, điều đó tất yếu dẫn đến chi phí phục vụ cho việc triển khai nhiệm vụ sẽ tăng hơn so với trước đây, trong khi đó nguồn thu thì không thay đổi (do việc đăng ký văn bản thông báo việc kê biên và cung cấp thông tin kê biên không được thu phí, lệ phí). Bởi vậy, nếu vẫn giữ nguyên nguồn kinh phí như hiện nay thì các Trung tâm sẽ không thể đảm nhận được nhiệm vụ được giao. Do đó, sửa đổi tỷ lệ phần trăm trích lại cho các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản là cần thiết.
(2) Kết quả kiểm tra tại một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, việc thu phí, lệ phí đăng ký của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tồn tại những khó khăn, vướng mắc sau: mức thu phí, lệ phí được để lại của các Văn phòng đăng ký do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định nhưng trên thực tế ở nhiều nơi vẫn chưa có quyết định về tỷ lệ phần trăm trích lại cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, do vậy, Kho bạc nhà nước buộc Văn phòng đăng ký nộp toàn bộ số tiền phí, lệ phí đăng ký thu được vào ngân sách nhà nước. Mặt khác, Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP quy định một trong những trường hợp không thu lệ phí đăng ký là đăng ký thế chấp của hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa phương và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Do đó, để tạo điều kiện cho hoạt động của các văn phòng đăng ký thì cần phải bổ sung quy định về mức phí, lệ phí và tỷ lệ phần trăm trích lại tối thiểu được áp dung đối với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Đồng thời, đối với các địa phương chỉ có đất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối hoặc nuôi trồng thuỷ sản thì ngân sách địa phương phải cấp đủ kinh phí để bảo đảm cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoạt động.
Xuất phát từ sự cần thiết trên mà Thông tư liên tịch số 36/2008/TTLT-BTC-BTP đã được ban hành để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 10/01/2007 với những nội dung chủ yếu sau:
(1) Bổ sung thêm trường hợp không thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm là đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đối với tài sản kê biên để thi hành án khi cơ quan thi hành án thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản.
(2) Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản được trích lại 80% (tám mươi phần trăm) so với 50% như quy định của Thông tư 03/2007/TTLT-BTC-BTP trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí, lệ phí theo chế độ quy định. Theo đó, Trung tâm Đăng ký có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí, lệ phí còn lại là 20% vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành.
(3) Đối với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với những nơi không thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi được Phòng Tài nguyên và Môi trường uỷ quyền thực hiện thì Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tỷ lệ phần trăm trích lại cho cơ quan thu phí, lệ phí để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí phù hợp với thực tế của địa phương. Trường hợp nguồn thu lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm không đủ trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí, lệ phí theo chế độ quy định hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm thì ngân sách địa phương sẽ đảm bảo kinh phí hoạt động cho cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành
 
Ngọc Phượng - Cục Đăng ký

Xem thêm »