Bộ Thông tin và Truyền thông: Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định mặt đất

18/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 22/11/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký Thông tư số 20/2022/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định mặt đất”.

Về phạm vi điều chỉnh, quy chuẩn này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với dịch vụ truy nhập Internet băng rộng, thuộc nhóm dịch vụ viễn thông cố định mặt đất (sau đây gọi tắt là dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất), bao gồm: Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ FTTH/xPON (gọi tắt là dịch vụ truy nhập Internet cáp quang); Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ Modem cáp truyền hình (gọi tắt là dịch vụ truy nhập Internet cáp truyền hình). Về đối tượng áp dụng, quy chuẩn này áp dụng đối với doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất (sau đây gọi tắt là DNCCDV) để thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất theo quy định của Nhà nước và của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, Quy chuẩn này cũng là cơ sở để người sử dụng giám sát chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất của các doanh nghiệp.

Theo quy chuẩn, dịch vụ truy nhập Internet được cung cấp thông qua mạng băng rộng cố định mặt đất dựa trên các công nghệ khác nhau có tốc độ tải xuống tối thiểu là 50 Mbit/s. Dịch vụ truy nhập Internet cáp quang là dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất dựa trên họ các công nghệ FTTH/xPON, cho phép truy nhập thông tin tốc độ cao trên đường thuê bao quang, phân phối băng tần tải xuống và băng tần tải lên ngang bằng nhau. Dịch vụ truy nhập Internet cáp truyền hình là dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất thông qua mạng cáp truyền hình dựa trên công nghệ Modem cáp, cho phép truy nhập thông tin tốc độ cao trên đường thuê bao cáp truyền hình, phân phối băng tần tải xuống có thể lớn hơn băng tần tải lên.

Về phương pháp xác định được hiểu là các phương pháp đánh giá chất lượng dịch vụ với mức lấy mẫu tối thiểu được quy định để Cơ quan quản lý nhà nước và DNCCDV áp dụng trong việc đo kiểm chất lượng dịch vụ. Mỗi chỉ tiêu chất lượng được quy định một hay nhiều phương pháp xác định khác nhau. Trong trường hợp chỉ tiêu chất lượng dịch vụ được xác định bằng nhiều phương pháp khác nhau quy định tại Quy chuẩn này thì chỉ tiêu chất lượng được đánh giá là phù hợp khi kết quả đánh giá bởi mỗi phương pháp đều phù hợp với mức chỉ tiêu quy định.

Quy chuẩn xác định các quy định kỹ thuật cụ thể. Trước hết là các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật, bao gồm: (i) thời gian trễ trung bình (là trung bình cộng của các khoảng thời gian trễ); (ii) tốc độ tải dữ liệu trung bình (gồm: tốc độ tải xuống trung bình (Pd) và tốc độ tải lên trung bình (Pu), trong đó tốc độ tải xuống trung bình (Pd) là tỷ số giữa tổng tốc độ tải xuống trên tổng mẫu đo tải xuống; tốc độ tải lên trung bình (Pu) là tỷ số giữa tổng tốc độ tải lên trên tổng mẫu đo tải lên); (iii) mức chiếm dụng băng thông (là tỷ lệ (%) giữa lượng dữ liệu trao đổi cao nhất trong nhóm 95 % trên đường truyền trong một đơn vị thời gian và tốc độ tối đa của đường truyền (tính bằng Mbit/s). Mức chiếm dụng băng thông được xác định cho từng hướng kết nối. Mức chiếm dụng băng thông của một hướng kết nối được xác định trên cơ sở tổng dung lượng trao đổi cao nhất trong nhóm 95 % của tất cả đường truyền trong cùng một hướng kết nối đó).

Quy chuẩn xác định các chỉ tiêu chất lượng phục vụ, bao gồm: (i) độ khả dụng của dịch vụ; (ii) thời gian thiết lập dịch vụ ((E) là khoảng thời gian được tính từ lúc DNCCDV ký hợp đồng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất với khách hàng và thống nhất với khách hàng về thời gian lắp đặt, thiết lập dịch vụ cho tới khi khách hàng có thể sử dụng được dịch vụ); (iii) thời gian khắc phục mất kết nối (thời gian khắc phục mất kết nối (R) được tính từ lúc DNCCDV nhận được thông báo về việc mất kết nối Internet từ phía khách hàng hoặc từ hệ thống thiết bị của doanh nghiệp đến lúc kết nối được khôi phục); (iv) khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ (là sự không hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ được báo cho DNCCDV bằng văn bản); (v) Hồi âm khiếu nại của khách hàng (là sự không hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ được báo cho DNCCDV bằng văn bản); (vi) Dịch vụ trợ giúp khách hàng (là dịch vụ giải đáp thắc mắc, tư vấn, hướng dẫn sử dụng, tiếp nhận yêu cầu, cung cấp thông tin cho khách hàng về dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất).

Quy chuẩn cũng xác định các quy định về quản lý, trong đó nêu rõ dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất thuộc phạm vi điều chỉnh phải tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn này. Đồng thời, phương tiện đo, thiết bị đo: tuân thủ quy định của pháp luật đo lường.

Bên cạnh đó, Quy chuẩn các quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong việc phải đảm bảo chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất phù hợp với Quy chuẩn này, thực hiện công bố chất lượng dịch vụ và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành; các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải nêu rõ các giá trị Vd, Vu đối với từng gói dịch vụ cụ thể trong hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa DNCCDV và khách hàng; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm xây dựng máy chủ để đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ theo Quy chuẩn này.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

Xem thêm »