Giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

15/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 25 tháng 11 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BLĐTBXH quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2023. Qua đó tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc người yêu cầu giám định thực hiện quyền của mình để tự bảo vệ quyền, lợi ích theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Thông tư quy định ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện giám định lần đầu, giám định bổ sung và giám định lại về sự tuân thủ quy định pháp luật, quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và của cơ quan có thẩm quyền đối với các nội dung:
- Hồ sơ, giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác thu các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội; ghi xác nhận, điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trên sổ bảo hiểm xã hội.
- Hồ sơ, giấy tờ, tài liệu giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội do cơ quan Bảo hiểm xã hội ban hành theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động: Quyết định hưởng, điều chỉnh, tạm dừng hưởng, hưởng tiếp, hủy quyết định hưởng, chấm dứt hưởng các chế độ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.
- Hồ sơ, chứng từ chi trả các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; chi trả bảo hiểm thất nghiệp.
- Việc thực hiện các quy định, quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết và chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; chi trả bảo hiểm thất nghiệp; quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; truy thu; đôn đốc thu các khoản phải đóng bảo hiểm xã hội; cấp, ghi xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội; khai thác, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
- Các giấy tờ, tài liệu, quy định, quy trình nghiệp vụ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, tổ chức thực hiện.
Ngoài ra Thông tư còn quy định về các quy chuẩn chuyên môn áp dụng, các điều kiện của tổ chức giám định tư pháp, quy trình giám định, thời hạn giám định…, trong đó:
- Các quy chuẩn chuyên môn áp dụng trong giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là các quy định, nguyên tắc, quy trình nghiệp vụ, thủ tục hồ sơ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; các quy định, quyết định hướng dẫn quy trình nghiệp vụ thuộc thẩm quyền ban hành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội; giải quyết hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất và chi trả các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất và bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản, quy định khác có liên quan.
- Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, đơn vị chuyên môn được trưng cầu thực hiện giám định khi đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện giám định như có trụ sở làm việc phù hợp yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức, đơn vị; có trang thiết bị bảo quản, lưu giữ đối tượng, hồ sơ, tài liệu giám định và trang thiết bị khác đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định pháp luật giám định tư pháp.
- Quy trình giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được Thông tư quy định cụ thể, bao gồm tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp; chuẩn bị giám định tư pháp; thực hiện giám định tư pháp; kết luận giám định tư pháp; lập, bàn giao, lưu giữ hồ sơ giám định tư pháp.
- Thời hạn giám định tư pháp: Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc nhận được quyết định trưng cầu giám định và đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật nêu tại quyết định trưng cầu giám định.
Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo thời hạn được ghi trong quyết định trưng cầu của người trưng cầu giám định.
Thời hạn giám định tư pháp tối đa đối với các trường hợp không thuộc quy định nêu trên với từng loại việc giám định như sau: (i) Giám định các nội dung liên quan đến thu bảo hiểm xã hội, thu bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn giám định tối đa là 01 tháng; (ii) Giám định các nội dung liên quan đến giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thời hạn giám định tối đa là 02 tháng; (iii) Giám định các nội dung liên quan đến chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn giám định tối đa là 01 tháng; (iv) Giám định các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời hạn giám định tối đa là 03 tháng; (v) Đối với trường hợp giám định theo vụ việc có từ 02 nội dung giám định khác nhau trở lên thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 3 Thông tư số 23/2022/TT-BLĐTBXH hoặc có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.
Trong trường hợp cần thiết, cá nhân người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có văn bản đề nghị cơ quan trưng cầu giám định gia hạn theo thẩm quyền.
Thông tư cũng quy định cụ thể về tiêu chuẩn người giám định, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; về công nhận, đăng tải người giám định, tổ chức giám định theo vụ việc./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »