Chính sách đối với lao động dôi dư khi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại

23/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 29 tháng 11 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2022/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc đối tượng áp dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty độc lập khi thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp; chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chuyển thành đơn vị sự nghiệp; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; giải thể, phá sản).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2021 quy định tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025. Trong đó có các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong các lĩnh vực đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh. Sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về điện lực. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn; bảo đảm hàng hải (không bao gồm nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng). Bưu chính công ích và hoạt động duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng; kinh doanh xổ số; xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm). Sản xuất phim khoa học, thời sự phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin đối ngoại và nhiệm vụ an ninh tư tưởng, văn hóa; in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng; quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo hiểm tiền gửi và mua bán, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.
Người lao động dôi dư khi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được áp dụng chính sách theo quy định tại Nghị định bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có tên trong danh sách lao động và được tuyển dụng lần cuối cùng vào doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại trong các trường hợp cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 mà tại thời điểm sắp xếp lại, doanh nghiệp không bố trí được việc làm; làm việc ở doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp tại thời điểm sắp xếp lại, doanh nghiệp không bố trí được việc làm và không được giao khoán đất, giao khoán rừng.
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có tên trong danh sách lao động và được tuyển dụng lần cuối cùng vào doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại trong trường hợp giải thể, phá sản trước ngày 26 tháng 4 năm 2002.
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có tên trong danh sách lao động và được tuyển dụng lần cuối cùng vào doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại trong các trường hợp cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách từ ngày 21 tháng 4 năm 1998 trở về sau, tại thời điểm sắp xếp lại, doanh nghiệp không bố trí được việc làm.
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có tên trong danh sách lao động và được tuyển dụng lần cuối cùng vào doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại trong trường hợp giải thể, phá sản từ ngày 26 tháng 4 năm 2002 trở về sau.
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, được doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác và làm việc chuyên trách trong ban quản lý, điều hành tại doanh nghiệp đó, gồm: người đại diện phần vốn của doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại trong các trường hợp cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách mà tại thời điểm sắp xếp lại, hết thời hạn ủy quyền mà doanh nghiệp không bố trí được việc làm; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại trong trường hợp giải thể, phá sản.
Nghị định quy định rõ các chính sách đối với người lao động dôi dư đang làm việc tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại trong từng trường hợp cụ thể như cổ phần hóa, giải thể, phá sản, sáp nhập, chia, tách… Cùng với đó là chính sách đối với người đại diện phần vốn của doanh nghiệp. Các chính sách mà người lao động được hưởng được xác định theo thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng vào doanh nghiệp, chia thành các trường hợp tuyển dụng trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước) hoặc trước ngày 26 tháng 4 năm 2002; tuyển dụng từ ngày 21 tháng 4 năm 1998 hoặc từ ngày 26 tháng 4 năm 2002 trở về sau. Các chính sách có thể là nghỉ hưu trước tuổi, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, hỗ trợ một khoản tiền. Đồng thời Nghị định còn quy định cụ thể thời gian làm việc, tiền lương làm căn cứ để tính chế độ./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »