Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

27/02/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 20/2, Bộ Tài chính chính thức trình Chính phủ dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi. Bản dự thảo này sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2008. Theo Bộ Tài chính, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để bổ sung vốn đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ đó số nộp ngân sách sẽ tăng cao.

Thuế TNDN giảm 3%

Theo dự thảo, thuế suất thuế TNDN sẽ giảm từ mức 28% hiện nay xuống còn 25%, đồng thời bỏ thu thuế bổ sung đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất. Theo Bộ Tài chính, mức giảm này là cần thiết vì gần đây, nhiều nước trong khu vực đã giảm thuế nhằm ưu đãi diện rộng cho cả nền kinh tế, tăng tính cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư. Mức thuế 28% áp dụng từ năm 2003 là phù hợp với bối cảnh khu vực lúc đó nhưng hiện nay đã cao hơn so với một số nước có điều kiện cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư thuận lợi hơn như Singapore (đã giảm từ 20% xuống 19%), Philippines (giảm từ 35% xuống 30%) và đặc biệt là Trung Quốc (đã giảm mạnh từ 33% xuống 25%).

Đáng lưu ý, dự thảo Luật thuế lần này tăng thêm nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) và mở rộng đối tượng được ưu đãi. Cụ thể, DN được dành tối đa 10% thu nhập trước khi tính thuế để lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. DN mới thành lập trong một số lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá thể thao... hoặc hoạt động tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao sẽ được hưởng mức thuế 10% trong thời gian 15 năm; được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. DN mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, KCN do Chính phủ quyết định thành lập được áp dụng mức thuế 20% trong 10 năm; được miễn thuế trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Phải cải thiện cách thu thuế

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, những ưu đãi thuế nói trên bảo đảm duy trì hoặc cao hơn so với chính sách thuế hiện hành nhằm tạo động lực mới cho nền kinh tế nhưng vẫn không ảnh hưởng đến mức thu ngân sách (đạt mức bình quân trên 30.000 tỉ đồng/năm). Việc cắt giảm thuế sẽ làm giảm thu nhưng tạo điều kiện để DN thêm tiềm lực, bổ sung thêm vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng lợi nhuận, từ đó đóng góp nhiều hơn vào ngân sách. Theo số liệu thống kê năm 2006, việc giảm thuế TNDN từ 32% xuống 28% đã có hiệu quả lớn. Chỉ tính riêng 45 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã tích luỹ, bổ sung thêm gần 5.300 tỉ đồng vốn kinh doanh, quỹ đầu tư phát triển tăng gần 13.000 tỉ đồng và quỹ dự phòng tài chính phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh tăng khoảng 2.000 tỉ đồng.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng đây là việc cần thiết để tăng sức cạnh tranh cho DN vì nhập siêu đang tăng cao cho thấy năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước có hạn chế. Tuy nhiên, vấn đề thuế không chỉ ở mức thuế mà còn ở cách hành thu. Rất nhiều DN đã phản ánh rằng thực tế họ phải nộp thuế cao hơn mức Nhà nước quy định do tiêu cực. Báo cáo mới đây của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy DN VN vẫn mất khoảng 1.000 giờ/năm cho thủ tục thuế.

Phạm Thị Lệ Hằng

Xem thêm »