Ngày 08/02/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Thông tư số 09/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2023 và được áp dụng thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/08/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
So với Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP, Thông tư số 09/2023/TT-BTC đã bổ sung đầy đủ đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền kiểm tra và thực hiện rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; sửa đổi, bổ sung nội dung chi và mức chi đặc thù cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định hướng dẫn thi hành. Theo đó, Thông tư xác định rõ các nhiệm vụ kiểm tra, xử lý, rà soát VBQPPL sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các nhiệm vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đặc thù như sau:
Các nhiệm vụ kiểm tra, rà soát sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên bao gồm: Hoạt động tự kiểm tra văn bản theo quy định tại Điều 111 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và rà soát văn bản khi phát sinh căn cứ rà soát theo quy định tại Điều 142 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Các nhiệm vụ trong công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL sử dụng kinh phí đặc thù bao gồm: Hoạt động kiểm tra văn bản theo thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP[1]; rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn[2]; rà soát, hệ thống hóa văn bản để thực hiện hệ thống hóa văn bản định kỳ (5 năm)[3]; rà soát văn bản khi thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội[4]; kinh phí sử dụng chuyên gia[5]; kinh phí tổ chức đội ngũ cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản[6]; hoạt động soạn thảo một số báo cáo đặc thù và một số hoạt động khác phục vụ cho các hoạt động nêu trên.
Ngoài ra, để phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực tế triển khai nhiệm vụ, cũng như tương ứng với định mức chi của các hoạt động, nhiệm vụ được ngân sách bảo đảm kinh phí có tính chất tương tự, Thông tư đã quy định theo hướng tăng định mức chi cho các hoạt động kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL./.
Nguyễn Thị Trà
[1] Khoản 2 Điều 106 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định:
"2. Kiểm tra văn bản theo thẩm quyền:
a) Kiểm tra văn bản do cơ quan, người ban hành văn bản gửi đến;
b) Kiểm tra văn bản khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật;
c) Kiểm tra văn bản theo địa bàn tại cơ quan ban hành văn bản, chuyên đề, ngành, lĩnh vực."
[2] Khoản 3 Điều 170 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015; Điều 160 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
[3] Điều 164, Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
[4] Khoản 3 Điều 170 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015; Điều 159 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
[5] Điều 175 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
[6] Điều 176 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.