Thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”

07/03/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chính phủ ban hành Nghị định 28/2024/NĐ-CP ngày 6/3/2024 quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.
Mốc thời gian để tính khen thưởng
Nghị định quy định mốc thời gian để tính khen thưởng như sau:
1- Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp từ ngày 15 tháng 7 năm 1950 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954.
2- Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ ngày 21 tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975:
- Chống đế quốc Mỹ ở miền Bắc;
- Chống đế quốc Mỹ ở miền Nam;
- Làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào từ tháng 5 năm 1972 đến tháng 12 năm 1975.
3- Thời kỳ bảo vệ Tổ quốc:
- Chiến tranh biên giới Tây Nam từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 07 tháng 01 năm 1979;
- Chiến tranh biên giới phía Bắc từ tháng 02 năm 1979 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988;
- Làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988;
- Làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Cam-pu-chia từ tháng 01 năm 1979 đến ngày 31 tháng 8 năm 1989;
- Truy quét Ful-rô từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 12 năm 1992.
Nguyên tắc xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"
Nghị định nêu rõ, Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ đủ 24 tháng trở lên thì được tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
Theo Nghị định, Thanh niên xung phong được xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" 01 lần.
Thanh niên xung phong khi xét khen thưởng được cộng dồn thời gian tham gia công tác trong các mốc thời gian quy định trên để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
Không tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" đối với những trường hợp sau: Bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác bị áp dụng hình phạt tù hoặc tham gia chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước, đào ngũ, phản bội, chiêu hồi mà bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Hồ sơ đề nghị xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"
Nghị định nêu rõ, Hồ sơ đề nghị của Thanh niên xung phong, gồm: (*)
1- Bản khai đề nghị xét tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
Trường hợp Thanh niên xung phong già, yếu hoặc đã hy sinh, từ trần thì do đại diện thân nhân đứng tên lập bản khai theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
2- Một trong các giấy tờ sau đây đảm bảo tính pháp lý chứng minh là Thanh niên xung phong:
Thẻ đội viên Thanh niên xung phong; Quyết định, lý lịch, trong đó ghi rõ là Thanh niên xung phong và phiên hiệu đơn vị Thanh niên xung phong; Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi Thanh niên xung phong trở về địa phương như: Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị quản lý Thanh niên xung phong; Giấy chuyển thương, chuyển viện, phiếu sức khỏe; Giấy khen trong thời gian tham gia lực lượng Thanh niên xung phong; Giấy chứng nhận tham gia Thanh niên xung phong; Giấy điều động công tác, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ. Thông tin cần thể hiện rõ thời gian đi Thanh niên xung phong.
Giấy chứng nhận Thanh niên xung phong của Hội (Ban Liên lạc) Cựu Thanh niên xung phong cấp tỉnh xác nhận thời gian đi và thời gian hoàn thành nhiệm vụ trở về của Thanh niên xung phong.
Văn bản xác nhận phiên hiệu đơn vị Thanh niên xung phong của cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành kèm theo tài liệu chứng minh cá nhân đi Thanh niên xung phong tại phiên hiệu đơn vị đó hoặc Quyết định hưởng trợ cấp, hưởng chính sách đối với Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc của cơ quan có thẩm quyền ban hành kèm theo danh sách Thanh niên xung phong.
Lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên có thể hiện thời gian tham gia Thanh niên xung phong khai trước ngày Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 1999 có hiệu lực thi hành; riêng đối với Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam, lý lịch khai trước năm 1995. Lý lịch đảng viên được sao y bản chính và có xác nhận của cấp ủy đảng nơi đảng viên sinh hoạt.
3- Đối với trường hợp được công nhận là liệt sĩ thì hồ sơ đề nghị gồm Bản khai Thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ đã được công nhận là Liệt sĩ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này và bản sao y Bằng công nhận Liệt sĩ hoặc Bằng Tổ quốc ghi công hoặc các giấy tờ xác nhận là liệt sĩ của cấp có thẩm quyền.
Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ (01 bộ bản chính và các tệp tin điện tử của hồ sơ đề nghị khen thưởng), gồm: (**)
1- Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kèm theo danh sách các trường hợp đề nghị tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
2- Biên bản họp xét duyệt của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh (thành phần họp có mời thêm đại diện Hội (Ban Liên lạc) Cựu Thanh niên xung phong cùng cấp).
3- Hồ sơ đề nghị của Thanh niên xung phong theo quy định.
Nghị định nêu rõ, trường hợp hồ sơ Thanh niên xung phong không hợp lệ, cần bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn Thanh niên xung phong hoàn thiện hồ sơ và nộp hồ sơ theo quy định trong thời hạn 05 ngày.
Đối với các trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, sau thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan các cấp thông báo bằng văn bản trả lại hồ sơ đề nghị khen thưởng cho đơn vị trình khen thưởng.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong" tổ chức xác minh đối với những trường hợp có thành tích chưa rõ ràng, có đơn khiếu nại, tố cáo hoặc có nghi ngờ hợp lý về việc hồ sơ đề nghị khen thưởng bị làm giả.
Trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"
Nghị định nêu rõ, Thanh niên xung phong hoặc thân nhân của Thanh niên xung phong lập hồ sơ đề nghị theo quy định (*), nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi Thanh niên xung phong đăng ký cư trú (đối với trường hợp còn sống) hoặc nơi cư trú trước khi tham gia Thanh niên xung phong (đối với Thanh niên xung phong đã hy sinh, từ trần).
Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm:
- Công bố công khai danh sách các trường hợp đề nghị xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" trên các phương tiện truyền thông hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Phối hợp với Hội (Ban Liên lạc) Cựu Thanh niên xung phong cùng cấp (nếu có) thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
- Tổ chức họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp xã (có mời thêm đại diện Hội (Ban Liên lạc) Cựu Thanh niên xung phong cùng cấp nếu có) để xem xét, tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
- Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, đề nghị khen thưởng đối với các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, hồ sơ có 01 bộ (bản chính), gồm: (***)
Tờ trình kèm theo danh sách các trường hợp đề nghị tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" và các tệp tin điện tử của hồ sơ đề nghị khen thưởng.
Biên bản họp xét các trường hợp đề nghị tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
Hồ sơ đề nghị tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" theo quy định (*).
Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm:
- Chỉ đạo cơ quan được giao tiếp nhận hồ sơ đề nghị khen thưởng, phối hợp với Hội (Ban Liên lạc) Cựu Thanh niên xung phong cùng cấp (nếu có) và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp hồ sơ đề nghị xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
- Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, đề nghị khen thưởng theo quy định, hồ sơ có 01 bộ (bản chính), gồm:
Tờ trình kèm theo danh sách các trường hợp đề nghị tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" và các tệp tin điện tử của hồ sơ đề nghị khen thưởng.
Hồ sơ đề nghị tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" theo quy định (***).
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm:
- Chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp nhận hồ sơ đề nghị khen thưởng, phối hợp với Hội (Ban Liên lạc) Cựu Thanh niên xung phong cùng cấp (nếu có) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
- Tổ chức họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh để xem xét, tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
- Trình Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Nội vụ) xem xét, đề nghị khen thưởng đối với các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Hồ sơ đề nghị tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" theo quy định (**).
Bộ Nội vụ trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm:
- Thẩm định hồ sơ và lấy ý kiến các cơ quan liên quan (nếu có).
- Trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang", hồ sơ gồm: Tờ trình của Bộ Nội vụ kèm theo danh sách đề nghị khen thưởng và các tệp tin điện tử của hồ sơ khen thưởng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 4 năm 2024.

Xem thêm »