Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII đã ban hành Luật số 09/2008/QH12 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Luật gồm một số nội dung cơ bản sau:
Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước : Mọi tài sản nhà nước đều được nhà nước giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng. Quản lý nhà nước về tài sản nhà nước được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước.
Việc xác định giá trị tài sản trong quan hệ mua, bán, thuê, cho thuê, liên doanh, liên kết, thanh lý tài sản hoặc trong các giao dịch khác được thực hiện theo cơ chế thị trường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tài sản nhà nước được sửa chữa, bảo vệ theo chế độ quy định.
Việc quản lý tài sản nhà nước được thực hiện công khai, minh bạch.
Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Luật này quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngành bộ, cơ quan khác ở trung ương và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chịu trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp.
Về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân Luật quy định rõ Nhà nước đầu tư xây dựng trụ sở làm việc để phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước bằng các phương thức : Giao cho tổ chức có chức năng thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; Giao ngân sách cho cơ quan trực tiếp sử dụng trụ sở làm việc thực hiện đầu tư xây dựng.
Về việc mua sắm tài sản nhà nước: Kinh phí mua sắm tài sản nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Việc mua sắm tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo trình tự, thủ tục do pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan quy định.
Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Luật cũng quy định rõ việc thuê trụ sở làm việc, tài sản khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, sử dụng tài sản nhà nước; bảo dưỡng, sửa chữa tài sản nhà nước, lập, quản lý hồ sơ tài sản nhà nước, hạch toán tài sản nhà nước, thu hồi tài sản nhà nước; điều chuyển tài sản nhà nước; thanh lý tài sản nhà nước; bán tài sản nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước của Việt Nam tại nước ngoài...
Về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính: Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật, quyền sử dụng đất, giao ngân sách để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản; tài sản được đầu tư, xây dựng, mua sắm bằng tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính được thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước quy định tại Luật này.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009
Lệ Hằng