Ngày 01/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là Nghị định số 143). Nghị định số 143 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025. Nghị định quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động với các nội dung như sau:
Điều kiện hưởng bảo hiểm
Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi tắt là người lao động).
Người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng 02 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là: Giám định mức suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tai nạn lao động, nếu có đủ các điều kiện sau: Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện và không thuộc các trường hợp: (i) Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; (ii) Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; (iii) Sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.
Tai nạn lao động ở đây được xác định là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc người lao động làm các nghề, công việc theo thời gian và nơi làm việc đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Giám định mức suy giảm khả năng lao động
Nghị định số 143 quy định người lao động bị tai nạn lao động chủ động đi giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi đã điều trị ổn định sau khi bị thương tật lần đầu hoặc sau khi thương tật tái phát; hoặc không thể điều trị ổn định thì sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả phí giám định đối với người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng hoặc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Việc chi trả phí giám định được thực hiện đồng thời với thời điểm trả trợ cấp tai nạn lao động. Nếu giám định lại tăng mức suy giảm khả năng lao động, người lao động sẽ nhận trợ cấp bổ sung một lần để phù hợp với mức suy giảm mới.
Trợ cấp tai nạn lao động
Nghị định số 143 quy định, nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động sẽ nhận trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần bao gồm mức chung và trợ cấp thêm, cụ thể:
Mức chung: Người lao động bị tai nạn lao động sẽ được hưởng ba lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV nếu suy giảm 5% khả năng lao động; sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV theo quy định của Chính phủ.
Mức trợ cấp thêm: được tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV; căn cứ tính thời gian hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định này là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động; nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Theo đó, mức trợ cấp một lần cho người lao động bị tai nạn lao động sẽ là tổng mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động cộng với mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Trợ cấp cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động
Thân nhân người lao động chết do tai nạn lao động cũng sẽ được hưởng trợ cấp xã hội. Mức trợ cấp được hưởng bằng 31,5 lần lương tối thiểu vùng IV nếu thuộc các trường hợp sau: người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đau do tai nạn lao động hoặc người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Nguyên tắc trợ cấp và thời điểm được tính làm căn cứ hưởng trợ cấp
Việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động thực hiện theo nguyên tắc tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
Thời điểm xác định tháng lương cơ sở vùng IV làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp đối với các trường hợp được hưởng trợ cấp nêu trên được tính vào tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú. Trường hợp bị tai nạn lao động mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; Thời điểm hưởng trợ cấp đối với trường hợp người lao động bị tai nạn chết được tính tại tháng người lao động bị chết; Thời điểm hưởng trợ cấp đối với trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động so với mức suy giảm khả năng lao động đã được hưởng trợ cấp được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa./.
Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật