Ngày 27/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân, trong đó tại Điều 29 quy định về những thiết bị bay không người lái, phương tiện bay khác, khoản 6 Điều 2 đưa ra định nghĩa về tàu bay không người lái như sau: “Tàu bay không người lái là phương tiện bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự điều khiển trực tiếp của người lái trên phương tiện bay đó; tàu bay không người lái, phương tiện bay khác phải được đăng ký trước khi đưa vào khai thác, sử dụng (khoản 1 Điều 29).
Để được đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay khác phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Quốc phòng ban hành hoặc công nhận; có giấy chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác nhập khẩu, ngoài điều kiện quy định trên còn phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Cơ quan Công an đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, trừ trường hợp thẩm quyền đăng ký do Bộ Quốc phòng quản lý thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Việc cấp phép bay phải phù hợp với thông số kỹ thuật, mục đích sử dụng của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, khả năng quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay và bảo đảm về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không và lợi ích công cộng (theo quy định tại Điều 30).
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay; Bộ Công an cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác của Bộ Công an và thông báo đến Bộ Quốc phòng để phối hợp quản lý. Trường hợp cấp phép bay trong khu vực cấm bay, hạn chế bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay quân sự thì phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng.
Luật cũng quy định trường hợp Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an cấp phép bay trong khu vực cảng hàng không, sân bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay dân dụng, phải được sự đồng ý của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài ra, Luật Phòng không nhân dân cũng quy định rõ về những trường hợp đình chỉ bay đối với các phương tiện bay không người lái. Theo đó, tại Điều 33 của Luật quy định việc đình chỉ bay được thực hiện trong các trường hợp bay không đúng nội dung được cấp phép bay; vì lý do quốc phòng, an ninh và an toàn bay; người điều khiển không đủ điều kiện bay; tàu bay không người lái, phương tiện bay khác chưa đăng ký hoặc không đúng theo đăng ký.
Về chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Điều 34):
Có 05 trường hợp chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác được quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật này gồm: (i) Bay khi chưa được cấp phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay khi chưa được phép; không tuân thủ yêu cầu đình chỉ bay; (ii) Xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay dân dụng, tàu bay quân sự; (iii) Sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; (iv) Sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác mang theo thiết bị, vũ khí, vật liệu nổ, các chất cấm, vận chuyển hàng hóa trái pháp luật; (v) Trường hợp đặc biệt khác khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.
Về thẩm quyền ra lệnh chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác: Khoản 2 Điều 34, Luật Phòng không nhân dân quy định như sau: (i) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được quyền ra lệnh chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 34 nêu trên; (ii) Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, cấp xã được quyền ra lệnh chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 34 nêu trên) trên địa bàn quản lý; (iii) Chỉ huy lực lượng an ninh hàng không, Chỉ huy đơn vị Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển được quyền ra lệnh chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 34 nêu trên) trên địa bàn, khu vực quản lý; (iv) Chỉ huy các đơn vị Quân đội, Công an được quyền ra lệnh chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác xâm phạm khu vực quản lý, mục tiêu bảo vệ; (v) Tổ trưởng Tổ chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay khác được quyền ra lệnh chế áp, tạm giữ khi phát hiện các phương tiện bay khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 34 nêu trên.
Trên cùng một địa bàn, khu vực quản lý, mục tiêu bảo vệ, lực lượng nào phát hiện trước hành vi quy định tại khoản 1 Điều 34 nêu trên thì được quyền chế áp, tạm giữ sau đó bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.
Đ.L
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật