Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050

11/11/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 08/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1352/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên. Xây dựng và thực hiện Quy hoạch này là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ, bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên là một chiến lược quan trọng. Chú trọng phục hồi và nâng cấp chất lượng các đối tượng quy hoạch đang bị suy thoái. Hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, cũng như thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ. Tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nguồn vốn tự nhiên cho phát triển bền vững đất nước; tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội; tăng cường các biện pháp dựa vào thiên nhiên, phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học phục vụ bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển nhanh và bền vững đất nước…
Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia là (i) Mở rộng, nâng cấp và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên; chuyển tiếp 178 khu bảo tồn thiên nhiên hiện có; thành lập mới 61 khu bảo tồn; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc khoảng 6,6 triệu ha; (ii) Củng cố và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng…; (iii) Hình thành hệ thống khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng gồm 22 khu vực đa dạng sinh học cao với tổng diện tích khoảng 2 triệu ha, 10 cảnh quan sinh thái quan trọng với tổng diện tích khoảng 4 triệu ha.
Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, quý, hiếm, các nguồn gen có giá trị bảo tồn được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo đảm an ninh môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó, cũng bố trí định hướng không gian cho bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với định hướng sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội góp phần bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên đối với phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy, tăng cường sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái; phát triển đa dạng sinh học đô thị, bảo đảm các chỉ tiêu về không gian xanh, chỉ tiêu về cây xanh đô thị, xây dựng hệ thống các khu vực đa dạng sinh học đô thị.
Một số dự án ưu tiên đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm: tuyên truyền và nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc  tăng cường hoạt động bảo tàng thiên nhiên về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; triển khai các dự án thành lập và mở rộng khu bảo tồn thiên nhiên, các dự án thành lập hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao,….
Định hướng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021 - 2030 theo 8 vùng sinh thái trên phạm vi cả nước gồm: Vùng Đông Bắc; vùng Tây Bắc; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ; vùng Nam Trung Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để thực hiện mục tiêu trên, Quyết định đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp then chốt nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch này, gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; Giải pháp về khoa học và công nghệ; Giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực; Giải pháp về tài chính, đầu tư; Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; Giải pháp về hợp tác quốc tế; Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu; Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch./.
Đức Khiêm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »