Những điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024

28/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 29/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 (thay thế Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011).

Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 gồm 8 chương, 63 điều (tăng 05 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011); trong đó, xây dựng 10 điều, sửa đổi, bổ sung 51 điều, bỏ 07 điều. Luật sửa đổi, bổ sung những điểm mới nổi bật sau:
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 bổ sung các chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người tại Điều 5: Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Bảo vệ và hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người.
Luật cũng bổ sung những quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân: Được thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các biện pháp phòng ngừa mua bán người; Được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định hoặc từ chối nhận hỗ trợ; Được bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi cư trú, nơi làm việc và thông tin khác theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã mở rộng đối tượng được bảo vệ gồm: nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng; người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người hoặc hỗ trợ nạn nhân (trước đây Luật năm 2011 chỉ quy định bảo vệ đối nạn nhân, người thân thích của nạn nhân,… chưa cụ thể rõ ràng về đối tượng). Các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng tiếp tục được kế thừa quy định cũ, gồm: hỗ trợ y tế, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên nếu nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế…
Tuy nhiên, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 chưa quy định về chế độ hỗ trợ chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người không biết, hiểu tiếng Việt trong quá trình tiếp nhận nạn nhân, lấy lời khai hoặc lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình thu thập thông tin, chứng cứ và hỗ trợ nạn nhân. Do đó, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã bổ sung về chế độ hỗ trợ chi phí phiên dịch trong trường hợp cần thiết.
Đồng thời, đề tính tương thích với điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, nội dung của Luật được sửa đổi bảo đảm tương thích, phù hợp với các điều ước quốc tế gồm Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên như Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »