Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào ngày 26/11/2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 có 05 Chương, 59 Điều với một số điểm mới quan trọng.
Thứ nhất, về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, quy định rõ loại, cấp độ quy hoạch, bao gồm 05 loại và 03 cấp độ quy hoạch cũng như các trường hợp phải lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; giản lược tối đa các trường hợp lập quy hoạch và cấp độ quy hoạch phải lập. Đồng thời không lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương đối với các tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; không lập quy hoạch chung đối với các đô thị đô thị loại I và đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại I thuộc thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (các đô thị có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung thuộc Thủ tướng Chính phủ); không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ (loại III, IV, V) để giảm việc lập cấp độ quy hoạch phân khu đối với các loại đô thị này, góp phần giảm thời gian, chi phí cho công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng; không yêu cầu lập quy hoạch chung khu chức năng không phải là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia.
Một số nội dung được sửa đổi, bổ sung được tập trung chủ yếu vào yêu cầu, nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, phù hợp giữa các loại, cấp độ quy hoạch, trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; các nội dung phải có trong quy hoạch đô thị và nông thôn đối với từng cấp độ quy hoạch; việc cho phép lập đồng thời các quy hoạch chung; trường hợp quy hoạch chung khác cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước; trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung được lập, thẩm định xong trước được phê duyệt trước; bổ sung làm rõ nội dung của quy hoạch chung mà quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết (trong trường hợp không phải lập quy hoạch phân khu) phải cụ thể hóa; nội dung của quy hoạch phân khu mà quy hoạch chi tiết phải cụ thể hóa.
Thứ hai, về đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Để nâng cao tính minh bạch, khả thi, thuận lợi, bảo đảm đầy đủ yêu cầu về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 quy định rõ thời gian tối thiểu và thời gian tối đa lấy ý kiến cộng đồng; trường hợp chưa hết thời gian lấy ý kiến mà đã nhận được đầy đủ ý kiến của cộng đồng dân cư thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn được thực hiện các bước tiếp theo. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch phải tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trước khi trình thẩm định, trình phê duyệt; nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình phải được công bố công khai, minh bạch.
Thứ ba, về phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn. Thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 đã phân cấp trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung đô thị cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (trước đây thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng); phân cấp trách nhiệm tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, quy hoạch khu chức năng cho cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập và cơ quan, tổ chức trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được giao quản lý khu chức năng như Đại học Quốc gia, Ban Quản lý khu công nghiệp... Đối với quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới..., trước khi phê duyệt, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng thì nay Luật đã phân cấp việc thống nhất bằng văn bản đối với quy hoạch chung đô thị loại IV cho cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; thay vì cho ý kiến thống nhất, Bộ Xây dựng, cơ quan chuyên môn sẽ cho ý kiến tham gia nhằm tăng tính chủ động khi địa phương thực hiện theo phân cấp.
Thứ tư, bổ sung và quy định chặt chẽ điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch như không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng của khu vực điều chỉnh, không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan... Phân biệt giữa “rà soát định kỳ” và “rà soát khi xuất hiện nhu cầu điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn trên cơ sở các điều kiện điều chỉnh” quy định tại Luật.
Thứ năm, Chính phủ được giao quy định những vấn đề cụ thể như các trường hợp lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trên cơ sở về quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch, yêu cầu quản lý, phát triển.... Quy định này xuất phát từ chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm những vấn đề mang tính nguyên tắc trong công tác quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định tại Luật, và tính ổn định, giá trị lâu dài của Luật cũng như sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý, nhất là những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên.
Thứ sáu, bổ sung và quy định rõ nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, bảo đảm nguồn lực thực hiện quy hoạch; bổ sung quy định làm rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; bổ sung quy định về hợp tác quốc tế...
Để triển khai thi hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024, Bộ Xây dựng được giao xây dựng, trình ban hành 02 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều, nội dung của Luật; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập; đồng thời ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật, hướng dẫn định mức, phương pháp lập và quản lý chi phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đức Khiêm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật