Một số điểm mới về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo Luật Đất đai năm 2024

06/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Đất đai năm 2024 (thay thế Luật Đất đai năm 2013). Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, tăng thêm 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013, trong đó sửa đổi, bổ sung 180 điều, bổ sung mới 78 điều. Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024, riêng Điều 190 (hoạt động lấn biển) và Điều 248 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp) có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2024.

Trong thời đại công nghệ thông tin, khoa học – kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ, mục tiêu chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung, quản lý nhà nước về đất đai nói riêng, trên cơ sở kế thừa một số quy định tại Điều 120 và Điều 121 Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 đã có một số điểm mới về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Cụ thể như sau:
Về sử dụng thuật ngữ: Tại khoản 14 khoản 23 Điều 3 và từ Điều 163 đến Điều 170 Luật đất đai năm 2014 đã sử dụng thuật ngữ “Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai”“Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai” thay cho thuật ngữ “Hệ thống thông tin đất đai”“Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” theo Luật Đất đai năm 2013. Sự thay đổi này được thực hiện nhằm cụ thể hoá mục tiêu của Nghị quyết 18-NQ/TW về “Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai”; đồng thời đảm bảo tính thống nhất với Luật giao dịch điện tử năm 2023 với quy định: "Cơ sở dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương”. Đồng thời, cũng phản ánh đúng tính chất của “Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai” và “Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai” trong phạm vi cả nước với các mức độ dữ liệu thông tin có sự phân cấp cụ thể và tổng hợp cấp quốc gia.
Về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai: Khoản 23 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu được xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước để quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác thông tin đất đai”. Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung yêu cầu khi xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai về tính “tập trung”, “đồng bộ” và “kết nối liên thông trên phạm vi cả nước”; bỏ yêu cầu về “tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam”. Việc sửa đổi như trên hoàn toàn phù hợp bởi việc xây dựng, thiết kế theo tiêu chuẩn hay quy chuẩn quốc gia, quốc tế đặt ra khi xây dựng từng thành phần của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung mục đích của việc xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, cụ thể: “Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”. Quy định này là phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay khi mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, kể cả công tác quản lý hành chính nhà nướcvề đất đai đều chuyển sang giai đoạn số hóa quy trình. Bên cạnh đó, về thành phần cơ bản của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, điểm b khoản 3 Điều 163 Luật Đất đai năm 2024 đã sửa dụng cụm từ“phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai” thay cho việc quy định theo hướng diễn giải “hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng” tại Luật đất đai cũ.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 164 Luật Đất đai năm 2024 đã sửa đổi và xác định phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai bao gồm “các phần mềm hệ thống, phần mềm tiện ích và phần mềm ứng dụng” với mục đích phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Sự thay đổi này đã cho thấy kỹ thuật lập pháp có nhiều tiến bộ khi các quy định có sự rõ ràng, bảo đảm phù hợp, thống nhất với pháp luật về công nghệ thông tin và hướng đến việc khắc phục được sự thiếu thống nhất giữa các địa phương hiện nay khi sử dụng các phần mềm ứng dụng.
Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai: Khoản 1 Điều 165 Luật Đất đai năm 2024 quy định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai bao gồm các thành phần sau: Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai. Như vậy, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung cơ sở dữ liệu về đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất và cơ sở dữ liệu về tiếp công dân là một trong số các thành phần Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai Quy định này nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống dữ liệu về đất đai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đặc biệt phản ánh được giá trị của đất đai và hiện trạng quá trình sử dụng đất của người sử dụng đất.
Một số điểm mới nêu trên trong Luật Đất đai năm 2024 nhằm bảo đảm để xây dựng Hệ thống thông tin đất đai quốc gia về đất đai hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu, kết nối liên thông trên phạm vi cả nước và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đồng bộ, thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong phạm vi cả nước, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong thời gian tới./.
Lê Nguyên Thảo
 Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »