Một số điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam

09/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 24/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025 và có một số điểm mới đáng chú ý.

1. Những trường hợp chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam
- Người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, địa phương; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người tham gia lực lượng vũ trang... phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam.
- Công chức, viên chức không thuộc các trường hợp nêu trên phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam. Đối với quy định nay, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết.
2. Thẻ Căn cước, Căn cước điện tử được quy định là những giấy tờ chứng minh Quốc tich Việt Nam của công dân
Trước đó, Luật Quốc tịch Việt Nam quy định các giấy tờ chứng minh Quốc tịch Việt Nam gồm có Giấy khai sinh, Hộ chiếu, Quyết định cho nhận con nuôi…. Theo Luật sửa đổi, bổ sung, điểm mới lần này đã bổ sung thẻ Căn cước, Căn cước điện tử cũng được coi là những giấy tờ chứng minh Quốc tịch Việt Nam của công dân.
3. Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam
Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 19 nhằm quy định điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế. Đây là một trong những chính sách lớn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quốc tịch Việt Nam, bảo đảm thực hiện, bảo vệ quyền trẻ em, người chưa thành niên, tạo điều kiện cho công dân được nhập quốc tịch Việt Nam đối với trường hợp có vợ, chồng, con đẻ là công dân Việt Nam.
Theo đó một số trường hợp có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không cần đáp ứng một số điều kiện cụ thể như:
(1) Người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ, người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì không cần đáp ứng điều kiện “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật”.
 (2) Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có vợ hoặc chồng hoặc có con đẻ là công dân Việt Nam thì không phải đáp ứng các điều kiện: biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam; thời gian thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
(3) Được giữ quốc tịch nước ngoài nếu thuộc các trường hợp: (i) Công dân có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; có lợi cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ; (ii) Được Chủ tịch nước cho phép; (iii) Việc giữ quốc tịch nước ngoài phải bảo đảm phù hợp với pháp luật nước đó và không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tên gọi của người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định là phải có tên bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài thì có thể lựa chọn tên ghép giữa tên Việt Nam và nước ngoài và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
4. Thời gian giải quyết hồ sơ nhập quốc tịch được rút ngắn, thuận lợi hơn cho công dân
Thời gian giải quyết hồ sơ nhập quốc tịch tại Sở Tư pháp và hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 05 ngày làm việc. Thời gian mà Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, kết luận, đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp cũng giảm từ 10 ngày xuống còn 05 ngày làm việc.
Đồng thời, Luật đã bổ sung quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ nhập quốc tịch của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất việc xin nhập quốc tịch Việt Nam về Bộ Tư pháp; đồng thời gửi thông tin về Bộ Ngoại giao để phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc tịch. Bộ Công an có trách nhiệm xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của Bộ Tư pháp.
5. Người đã mất quốc tịch Việt Nam có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam
Thể chế hoá chủ trương của Đảng nhằm giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các quy định trước đây của Luật Quốc tịch Việt Nam. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định người đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì đều được xem xét giải quyết trở lại quốc tịch Việt Nam. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây, được giữ quốc tịch nước ngoài nếu được Chủ tịch nước cho phép và đáp ứng các điều kiện: việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật nước đó và không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »