QH thảo luận Dự án Luật Dạy nghề và Luật Thể dục, thể thao

20/10/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 19-10, kỳ họp thứ 10, QH khóa XI bước sang ngày làm việc thứ ba, các đại biểu thảo luận Dự án Luật Dạy nghề và Luật Thể dục, thể thao.

Buổi sáng, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, QH thảo luận dự án Luật Dạy nghề. Chủ nhiệm  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Trần Thị Tâm Ðan trình bày Báo cáo tiếp thụ, chỉnh lý dự thảo Luật Dạy nghề, nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XI, các đại biểu QH đã đóng góp nhiều ý kiến về dự thảo Luật. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH  đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thụ ý kiến đại biểu  để chỉnh lý dự thảo Luật , đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu QH chuyên trách và các Ðoàn đại biểu QH. Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận để tiếp tục hoàn thiện một bước dự thảo trình QH.

Thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hương (Ðà Nẵng), Nguyễn Lân Dũng (Ðác Nông), Trần Thi Hoa Ry (Bạc Liêu) và Nguyễn Thị Sáu (Tuyên Quang), cho rằng, cần có những quy định về chính sách liên thông giữa các chương trình dạy nghề, giữa các chương trình dạy nghề với các chương trình đào tạo khác, kể cả đào tạo đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân; quy định về phương thức tuyển sinh, thời gian hoàn thành chương trình học; cần có chính sách ưu đãi trong học nghề đối với những người thuộc đối tượng chính sách, quân nhân xuất ngũ, người tàn tật, khuyết tật, thanh niên nông thôn, người dân tộc thiểu số...
 
Theo các đại biểu: Ngô Sỹ Hưởng (Thái Nguyên), Vũ Ðình Ngọc (Ðồng Tháp), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), cần  quy định  về quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ sở dạy nghề cũng như quy định quyền hạn và trách nhiệm của  doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề. Cần mở rộng xã hội hóa trong công tác dạy nghề, có quy định để các hội nghề nghiệp, các  doanh nghiệp được thành lập cơ sở dạy nghề để đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp và cho xã hội; được tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề, đào tạo lại, cập nhật kiến thức cho lao động của doanh nghiệp. Ðồng thời, cần quy định doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận học sinh học nghề đến tham quan, thực tập tại doanh nghiệp; những chi phí, đầu tư để duy trì hoạt động của cơ sở dạy nghề, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, chi phí đào tạo, bồi dưỡng lao động để tuyển dụng và nâng cao tay nghề cho người lao động của doanh nghiệp được coi là chi phí hợp lý, được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) cho rằng, cần quy định  ngay trong luật  là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH) là cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề, vì hiện nay Bộ Giáo dục và Ðào tạo còn nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết, không nên "ôm" thêm việc quản lý dạy nghề.
Dự thảo Luật Dạy nghề sẽ được  Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ QH tiếp thụ, chỉnh lý và hoàn thiện  một lần nữa để thông qua trong kỳ họp này.
 
Buổi chiều, QH nghe bà Trần Thị Tâm Ðan trình bày Báo cáo tiếp thụ, chỉnh lý dự thảo Luật Thể dục, thể thao.
Thảo luận tại hội trường về nội dung của dự thảo Luật Thể dục, thể thao, các đại biểu QH tán thành bố cục và nội dung của luật, đồng thời làm rõ một số nội dung quy định của dự luật, nhất là vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực thể dục, thể thao (TDTT); các nguồn lực cho hoạt động và sự phát triển của TDTT; có nên quy định vấn đề cá cược và xổ số TDTT (nhất là trong môn bóng đá) trong dự luật? Ðại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, dự luật cần xác định rõ chức năng và thẩm quyền quản lý nhà nước về TDTT của Ủy ban TDTT, UBND, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, phân định rõ đâu là chức năng quản lý, cơ quan chuyên môn hoặc tham mưu trong hoạt động TDTT ở các ngành, địa phương? Ðại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) nêu vấn đề: Trên thực tế, hiện nay, ở một số môn thể thao như đua ngựa, dự đoán kết quả bóng đá (qua tin nhắn) đã xuất hiện việc cá cược... Việc cá cược thể thao, nhất là trong môn bóng đá cần được xem xét, nhìn nhận, và dự thảo Luật TDTT cần có một điều quy định về nguyên tắc hoạt động cá cược, xổ số thể thao; chi tiết cụ thể, do Chính phủ quy định ở các văn bản dưới luật. Ðồng tình với ý kiến này, các đại biểu QH Ðặng Văn Xướng (Long An), Nguyễn Hữu Nhơn (Ðồng Tháp), Nguyễn Thị Kha (Trà Vinh) và một số đại biểu khác đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung một điều quy định về nguyên tắc vấn đề cá cược, xổ số thể thao trong dự thảo luật. Nhưng, các đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) cho rằng, chưa nên đưa vấn đề cá cược, xổ số thể thao vào dự luật, vì cần có thời gian nghiên cứu, cân nhắc; vả lại, nếu quy định sẽ trái với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành đã nghiêm cấm chơi cờ bạc, cá cược dưới mọi hình thức.
Ðại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) nêu lên một thực tế: Ðiều kiện giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường hiện nay rất thiếu thốn về sân bãi, thiết bị, giáo viên, vì thế, dự luật cần quy định rõ và mang tính khả thi để nhà trường làm tốt công tác giáo dục thể chất (bắt buộc) và tạo điều kiện cho một số học sinh có năng khiếu được hoạt động thể thao ở các lớp năng khiếu trong nhà trường; có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành giáo dục và ngành thể dục - thể thao để phát hiện các nhân tài, vừa rèn luyện thể thao và bồi dưỡng văn hóa để các em có điều kiện cống hiến cho nền thể thao nước nhà. Ðại biểu Lê Xuân Thân đề nghị: Cần làm rõ, tạo điều kiện tốt hơn cho việc "xã hội hóa" hoạt động TDTT, khuyến khích và quản lý các hoạt động tài trợ cho thể thao, huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho hoạt động TDTT; có chính sách cụ thể về đất đai, về thuế trong tài trợ cho hoạt động thể thao. Các đại biểu QH nhấn mạnh cần tạo điều kiện, khuyến khích hoạt động thể thao thành tích cao, kể cả các chính sách ưu đãi về đất đai, thu nhập; dạy nghề và tạo việc làm cho vận động viên lập thành tích xuất sắc trong thi đấu trong nước và quốc tế sau khi giã từ sự nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái đã phát biểu ý kiến tiếp thụ ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật TDTT của đại biểu QH, đồng thời đề nghị chưa nên đưa vấn đề "cá cược, xổ số thể thao" vào dự luật. Nếu Chính phủ đồng ý, Ủy ban TDTT sẽ làm "thí điểm" đề án về "cá cược, xổ số" và nếu có hiệu quả, quản lý tốt, sẽ trình QH bổ sung vào Luật TDTT.
Hôm nay, QH tiếp tục làm việc tại Hội trường.
 
(Theo Nhân dân)

Xem thêm »