Ngày 16/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật thay thế cho Nghị định số 65/2003/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành ngày 11/6/2003. So với Nghị định số 65 (NĐ 65), Nghị định số 77 (NĐ 77) có nhiều điểm mới về điều kiện thành lập, phạm vi tư vấn, tổ chức và hoạt động của trung tâm tư vấn…
Mở rộng phạm vi tư vấn pháp luật
Theo quy định hiện hành, phạm vi tư vấn pháp luật chỉ bó hẹp trong việc hướng dẫn, giải đáp pháp luật; tư vấn soạn thảo đơn và các giấy tờ khác; tư vấn soạn thảo hợp đồng có giá trị từ một trăm triệu đồng trở xuống; cung cấp các văn bản pháp luật, thông tin pháp luật (Điều 7 NĐ 65). NĐ 65 cũng nghiêm cấm việc trung tâm tư vấn (TTTV) thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, các đương sự khác trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng theo quy định của NĐ 77, TTTV được thực hiện tư vấn pháp luật; được cử luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu xin tư vấn pháp luật với vụ việc mà Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật; được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; được nhận và thực hiện vụ việc trong tất cả các lĩnh vực pháp luật.
Sẽ có nhiều trung tâm tư vấn pháp luật được thành lập
Pháp luật hiện hành quy định chỉ có tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp tỉnh và Trung ương mới có quyền thành lập TTTV. Nhưng theo Điều 12 NĐ 77, ngoài các Trung tâm do các tổ chức này thành lập còn có TTTV của cấp ngành và TTTV cấp huyện do các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị xã hội – nghề nghiệp, xã hội - nghề nghiệp thành lập; ngoài ra, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật cũng được thành lập TTTV pháp luật trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở của cơ sở đó. Nghị định cũng quy định, để được thành lập TTTV phải có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc một tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động. Trước đó, NĐ 65 quy định muốn thành lập TTTV ngoài điều kiện về địa điểm còn phải có ít nhất ba tư vấn viên pháp luật.
Tư vấn sai phải bồi thường thiệt hại
Tuy Nghị định này quy định về tư vấn pháp luật miễn phí và có thu phí nhưng để bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tổ chức khi được Trung tâm tư vấn, NĐ 77 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Trung tâm đối với những thiệt hại do Trung tâm gây ra cho cả người được tư vấn miễn phí và người không được miễn. Theo đó, Điều 8 Nghị định này quy định: TTTV có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm gây ra trong khi thực hiện tư vấn pháp luật. Trước đó, khi quy định về trách nhiệm của TTTV, NĐ số 65 chỉ quy định: Trung tâm chịu trách nhiệm về việc thực hiện tư vấn pháp luật của tư vấn viên, cộng tác viên pháp luật của trung tâm; tuân theo các quy định của Nghị định này và văn bản pháp luật khác có liên quan…
Ngoài ra, Nghị định số 77 cũng quy định: công chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân không được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật nhưng có thể trở thành người thực hiện tư vấn nếu như đủ điều kiện và việc tư vấn đó không trái với pháp luật về cán bộ, công chức.
Nguyễn Đình Thơ