Kiểm tra, rà soát để nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật

22/11/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong thời gian qua, công tác tự kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn có những hạn chế, nhiều văn bản trái pháp luật chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết về vấn đề này.

* Năm nay là năm thứ tư triển khai công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả của công tác này?

- Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL theo quy định tại Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14-11-2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý VBQPPL bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương, nâng cao chất lượng của công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra vừa rồi, chúng tôi thấy trong công tác này cũng còn nhiều bất cập. Tại nhiều địa phương và cả các bộ, ngành trung ương, số lượng văn bản, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ còn mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí có cả trường hợp trái với quy định của văn bản cấp trên. Trong khi đó, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản vi phạm pháp luật ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

* Những hạn chế này xuất phát từ trình độ của cán bộ làm công tác kiểm tra VBQPPL, từ nhận thức của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương hay từ bản thân hệ thống VBQPPL ở nước ta hiện nay, thưa Thứ trưởng?

- Có thể nói sự hạn chế đó xuất phát từ tất cả các khía cạnh nói trên. Bên cạnh năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa VBQPPL chưa đáp ứng yêu cầu thì không phải lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào cũng nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác này. Một nguyên nhân khác cũng phải kể tới là thực trạng hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay còn cồng kềnh, có nhiều mâu thuẫn và chồng chéo.

* Có một thực tế trong thời gian qua là việc xử lý các văn bản vi phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức. Làm thế nào để chấn chỉnh được sự thờ ơ này ở các bộ, ngành, địa phương?

- Điều này một phần xuất phát từ lãnh đạo, cán bộ có nơi, có người cho rằng hoạt động kiểm tra, rà soát VBQPPL là "bới lông, tìm vết" để phê phán. Nhưng thực tế đây đúng là hoạt động làm cho hệ thống pháp luật ngày càng chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Do đó theo tôi, một trong các giải pháp hiệu quả là tác động tới nhận thức của mọi người, làm cho các cấp, các ngành đều có nhận thức đầy đủ về công tác kiểm tra VBQPPL, từ đó, cấp trên thì có sự chỉ đạo hợp lý, cấp dưới thì có sự hợp tác chặt chẽ, không để tình trạng pháp chế bộ, ngành "đơn thương độc mã" như hiện nay.

* Là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, Bộ Tư pháp có đề xuất gì nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này, thưa Thứ trưởng?

- Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL, vấn đề đang đặt ra là cùng với việc triển khai những giải pháp đồng bộ như kiện toàn tổ chức, bố trí biên chế, kinh phí... thì việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ là rất cần thiết. Hiện tại Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp xây dựng Đề án tăng cường năng lực kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL.

Trong đề án này có cả phần củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, có cả nội dung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hướng dẫn các tác nghiệp, v.v... Chúng tôi đang cố gắng để đến năm 2007 có thể báo cáo với Chính phủ về đề án này.

*  Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Pháp luật Việt Nam

Xem thêm »