Chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới

08/10/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 16 tháng 9 năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nghị định này quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Nghị định này thay thế Nghị định số 115/1997/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 1997 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Tuy nhiên, chủ xe cơ giới không được đồng thời tham gia hai hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trở lên cho cùng một xe cơ giới nhưng chủ xe cơ giới có thể thoả thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện. Khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm. Thông thường thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là một (01) năm, trừ các trường hợp xe cơ giới nước ngoài tạm nhập tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 01 năm và niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 01 năm theo quy định thì thời hạn bảo hiểm có thể dưới 01 năm. Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới. Khi tai nạn xảy ra, có thiệt hại về thân thể, tính mạng, tài sản của bên thứ ba do xe cơ giới gây ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại nếu chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới; lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe; thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại; thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn; chiến tranh, khủng bố, động đất; thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt. Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 01 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng. Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ. Thời hiệu khởi kiện về việc bồi thường bảo hiểm là 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường. Quá thời hạn trên quyền khởi kiện không còn giá trị. Người điều khiển xe cơ giới không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền 100.000 đồng khi điều khiển xe gắn máy, xe mô tô ba bánh và 500.000 đồng khi điều khiển xe ôtô, máy kéo, các loại xe cơ giới tương tự. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị phạt tiền 50.000.000 đồng, Tổng giám đốc sẽ bị phạt 10.000.000 đồng nếu có hành vi từ chối bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho chủ xe cơ giới, nếu tái phạm thì bị phạt tiền theo quy định này đồng thời bị xem xét áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động. Doanh nghiệp bảo hiểm, Tổng giám đốc và người liên quan thực hiện giải quyết bồi thường không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi có một trong các hành vi: Tự ý huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới mà không thuộc các trường hợp huỷ bỏ theo quy định; yêu cầu người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trả thù lao, hay các quyền lợi vật chất khác trái pháp luật; trục lợi để nhận tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm đã được giao kết…..Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trần Thiêm

Xem thêm »