Thay thế một số văn bản liên quan như Thông tư liên tịch số 21/2002/TTLT/BNV-BTC-BTP và Mục IV Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TCCP-LĐTBXH hướng dẫn thi hành Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Liên Bộ Tài chính – Tư pháp đã ban hành Thông tư số 81/2008/TTLT-BTC-BTP (gọi tắt là Thông tư) hướng dẫn về việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các tổ chức TGPL nhà nước (Cục TGPL, Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm).
Theo đó, kinh phí hoạt động của cơ quan TGPL nhà nước thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan. Nguồn kinh phí này bao gồm nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp, nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ TGPL và nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước (nếu có).
Về nội dung chi, Thông tư quy định có các khoản sau: chi thanh toán cho cá nhân (tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, tiền thưởng...); chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi phí thuê mướn, chi mua sách báo, tài liệu phục vụ công tác TGPL; chi hội nghị, công tác phí trong nước, chi các đoàn đi công tác nước ngoài và đón các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam và một số khoản chi thường xuyên khác phục vụ công tác của cơ quan TGPL nhà nước; chi liên quan đến nghiệp vụ TGPL; chi mua sắm, sửa chữa phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động TGPL và sửa chữa lớn tài sản cố định; chi thực hiện chính sách TGPL trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và các Chương trình mục tiêu quốc gia khác; chi thực hiện các dự án từ nguồn tài trợ của nước ngoài căn cứ vào văn bản hợp tác quốc tế do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chi theo phạm vi hỗ trợ của Quỹ TGPL. Trong các khoản chi trên, Thông tư đặc biệt chú trọng hướng dẫn các khoản chi liên quan tới nghiệp vụ TGPL. Cụ thể, có chi thực hiện tư vấn pháp luật, cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hoà giải và thực hiện các hình thức TGPL khác; chi thực hiện TGPL lưu động, hỗ trợ sinh hoạt của Câu lạc bộ TGPL; chi xác minh vụ việc TGPL; chi lấy ý kiến chuyên gia trong trường hợp trợ giúp các vụ việc phức tạp, kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; chi thực hiện công tác thông tin, truyền thông về TGPL, tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác (tờ gấp, sách cẩm nang pháp luật, sách bỏ túi, hộp tin, bảng thông tin...); chi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng TGPL và quy tắc nghề nghiệp TGPL cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm, hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ chức tham gia TGPL; chi nghiên cứu, điều tra, khảo sát, tổ chức hội thảo, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động TGPL cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh; chi thực hiện sơ kết, tổng kết, chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức, hoạt động TGPL; chi lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hoá phục vụ TGPL, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; chi tổ chức các cuộc thi về TGPL; chi thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác TGPL được cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng; chi cho cộng tác viên TGPL. Thông tư nhấn mạnh, ngoài khoản bồi dưỡng và chi phí do Trung tâm và Chi nhánh thanh toán theo quy định, cộng tác viên không được yêu cầu chi thêm bất cứ khoản tiền nào từ người được TGPL hoặc thân nhân của họ.
Về mức chi, theo quy định của Thông tư, đối với các khoản chi công tác phí cho những người đi công tác trong nước (kể cả cộng tác viên TGPL) được thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Các khoản như chi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về TGPL; chi tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ TGPL và ứng dụng công nghệ thông tin cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, người thực hiện TGPL của tổ chức tham gia TGPL; chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết về TGPL; chi tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát về TGPL; chi lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hoá phục vụ công tác TGPL; chi tổ chức các cuộc thi về TGPL toàn quốc và ở địa phương thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Riêng, chi trả lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng và các lệ phí khác có liên quan sẽ theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Còn chi in ấn tờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật, sổ tay, sách nghiệp vụ và các ấn phẩm, tài liệu TGPL khác, biểu mẫu, mẫu đơn từ, giấy tờ... thì căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ.
Thông tư cũng hướng dẫn cách tính thời gian làm việc của cộng tác viên khi tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật và thủ tục, hồ sơ đề nghị thanh toán chế độ bồi dưỡng vụ việc TGPL nhằm bảo đảm kinh phí hoạt động của cơ quan TGPL nhà nước được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.
Cẩm Vân