Ghi chép: An toàn giao thông – có an toàn !…

23/08/2007
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Những ngày cuối tháng sáu, và kéo dài suốt cả tháng bảy, đoàn kiểm tra liên ngành do Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ngãi thành lập (ATGT) tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ của các huyện trong tỉnh có các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường ngang, chúng tôi ghi nhận được những hình ảnh sinh động, những gian khó vất vả của những người làm công tác bảo đảm ATGT, dù cố gắng hết sức để phản ảnh thật đầy đủ các họat động của Ban ATGT các cơ quan đơn vị, địa phương, với mong muốn cùng chia sẻ những cam go, thách thức, những đòi hỏi chính đáng của nhân dân trong việc bảo đảm an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông. Hy vọng qua ghi chép này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến và cả các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng mất an toàn khi tham gia giao thông của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Phần thứ nhất:Tầm nhìn tại các điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt bị che khuất – Nơi tiềm ẩn những tai nạn

Quảng Ngãi nằm ở khu vực miền Trung, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía tây giáp tỉnh Kon Tum và Gia Lai, phía nam giáp tỉnh Bình Định, phía đông giáp biển Đông, là tỉnh có cả Quốc lộ 1A và đường sắt bắc – nam đi qua suốt từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, rất thuận tiện cho giao thông đi lại. Song, đây cũng là tiềm ẩn rất dễ gây tai nạn, là mối quan tâm của mọi người khi tham gia giao thông, nhất là những đoạn đường có sự giao nhau giữa đường bộ và đường sắt. Trên toàn tuyến đường sắt đi qua tỉnh, tuy chỉ có 100km, nhưng có đến hai đơn vị quản lý là Công ty quản lý đường sắt Nghiã Bình và Công ty quản lý đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng, sự phối kết hợp trong việc chỉ đạo, quản lý nhằm bảo đảm an toàn cho những người tham gia giao thông chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn.

Theo hành trình, đoàn kiểm tra liên ngành chúng tôi đến tận nơi tất cả các điểm giao nhau giữa đường sắt và đường ngang trên địa bàn toàn tỉnh để nắm tìn hình có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền chỉ đạo xử lý, tháo gỡ những vướng mắc trong việc bảo đảm an toàn giao thông:

+ Tại các lý trình Km 989+470, Km 902+170, Km 904+850, Km 905+456, Km 906+850 (các xã Bình nguyên, Bình Trung, Bình Long, Bình Chánh, huyện Bình Sơn);

+ Tại lý trình Km 914+900 (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh);

+ Tại lý trình Km 938+475, Km 940+025, Km 934+400, Km 933+150, Km 930+340 (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa);

+ Tại lý trình Km 940+750 (huyện Nghĩa Hành);

+ Tại lý trình Km 995+580, Km 949+300, Km 944+400, Km 941+450 (các xã Đức Tân, Đức Hoà, Đức Hiệp, huyện Mộ Đức);

+ Tại lý trình Km 960+850, Km 967+010, Km 982+950, Km 992+220, Km 995+590, Km 973+810 (các xã Phổ Thuận, Thị trấn Đức Phổ, Phổ Hoà, Phổ Cường, Phổ khánh, Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ);

+ Tại lý trình Km 927+370, Km 928+872 (các phường Trần Phú, Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi);

Quan sát chúng tôi thấy tầm nhìn tại các điểm nêu trên bị che khuất ảnh hưởng rất nhiều cho người tham gia giao thông (trong đó cây cối che khuất là chủ yếu, có một ít chướng ngại vật là kiến trúc nhà cửa). Qua tìm hiểu bà con sinh sống ở xung quanh nơi đây cho biết lâu lâu cũng có đoàn đến kiểm tra, chỉ chỉ chỏ chỏ, ghi chép, đo đạc một hồi rồi đi, sau đó chẳng thấy có động tĩnh gì cả, các chướng ngại vật, cây cối che khuất tầm nhìn… trước sau kiểm tra vẫn còn nguyên và tai nạn vẫn cứ rập rình không biết đến bao giờ mới có hồi kết, bà con chúng tôi đã chứng kiến những tai nạn đau lòng xảy ra do tầm nhìn bị che khuất và sự bất cẩn khi đi qua những đoạn đưòng như thế này.

Trao đổi với các thành viên trong đoàn và đại diện chính quyền địa phương có đường sắt và đường ngang chúng tôi được biết sở dĩ có tình trạng trên là vì chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt với chính quyền địa phương, các cơ quan đổ lỗi cho nhau, chưa có sự thống nhất trong việc quản lý, điều hành dẫn đến tình trạng “ai cũng biết” nhưng “không ai làm” và “không ai chịu trách nhiệm”. Tình trạng trên còn một lý do khác nữa là do các chủ dự án các công trình giao thông đường bộ không thực hiện hết trách nhiệm của mình khi thi công các đoạn đường ngang qua đường sắt, hoặc là không thi công (đoạn cắt giữa đường sắt và đường Hai Bà Trưng – còn bỏ lại không thi công tiếp), hoặc là không đúng qui định (đoạn phía nam ga Quảng Ngãi, ngành đường sắt lấn hàng rào và trạm gác barie ra đường Nguyễn Thuỵ)… chính những vật cản này đã che khuất tầm nhìn, làm cản trở tầm quan sát của người tham gia giao thông, dẫn đến tai nạn dễ xảy bất ngờ.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng khắc phục, giải toả các điểm này, nhằm trả lại sự thông thoáng cho hành lang các con đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông, góp phần làm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh để “an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”

Phần thứ hai:Hệ thống biển báo không đồng bộ– Phương tiện tham gia giao thông tăng quá nhanh

Trên toàn tuyến có 100km đường sắt, khoảng 170km đường Quốc lộ 1A và Quốc lộ 24A, 18 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 520km, đi qua các huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng sự phối kết hợp trong việc chỉ đạo, quản lý của các ngành, các địa phương, các đơn vị nhằm bảo đảm an toàn cho những người tham gia giao thông chưa có sự gắn kết, nên vẫn còn đó những bất cập.

Về hệ thống biển báo không đồng bộ: Theo hành trình, đoàn kiểm tra liên ngành chúng tôi đến tận nơi tất cả các điểm giao nhau giữa đường sắt và đường ngang trên địa bàn toàn tỉnh để nắm tìn hình cụ thể về các biển báo để có cơ sở đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo xử lý, tháo gỡ những vướng mắc trong việc bảo đảm an toàn giao thông:

+ Các đường ngang chưa có vạch dừng xe: tại các lý trình Km 904+850, Km 905+456, Km 906+850, Km 908+746, Km 914+900, Km 938+475, Km 940+025, Km 934+400, Km 933+150, Km 930+340, Km 940+750, Km 995+580, Km 949+300, Km 944+400, Km 941+450, Km 960+850, Km 967+010, Km 982+950, Km 992+220, Km 995+590, Km 973+810, Km 927+370, Km 928+872…

+ Các đường ngang chưa có gờ giảm tốc: tại các lý trình Km 904+850, Km 905+456, Km 906+850, Km 908+746, Km 914+900, Km 938+475, Km 940+025, Km 934+400, Km 933+150, Km 930+340, Km 940+750, Km 995+580, Km 949+300, Km 944+400, Km 941+450, Km 960+850, Km 967+010, Km 982+950, Km 992+220, Km 995+590, Km 973+810, Km 927+370, Km 928+872…

+ Các đường ngang chưa biển báo 122 ”Stop”: gồm đường ngang tại các lý trình Km 906+850, Km 914+900, Km 917+875, Km 929+830, Km 932+150, Km 934+400, Km 940+025, Km940+750, Km 941+450, Km 947+450, Km 949+300, Km 950+700, Km 955+580, Km 958+544, Km 962+050, Km 968+370, Km 969+220, Km 973+810, Km 975+700, Km 977+680.

 Quan sát chúng tôi thấy các biển báo ở các điểm nêu trên hoặc không có, hoặc không bảo đảm kích thước, thường bị che khuất ảnh hưởng rất nhiều cho người tham gia giao thông. Một số nơi tuy có biển báo nhưng không có tác dụng bởi cái nọ che khuất cái kia, hoặc bị hư hỏng, hoặc quá thấp, quá nhỏ… chưa được các cơ quan, đơn vị quản lý thay thế. Cá biệt có những biển báo đặt không đúng qui định. 

Tình trạng biển báo, cọc tiêu… trên tuyến giao thông đường bộ cũng không mấy khả quan hơn, nhất là các đoạn quốc lộ, tỉnh lộ đi qua các thị trấn, thành phố, … nơi thì quá thừa biển nọ chồng lên biển kia, nơi thì quá thiếu, hoặc hư hỏng, gãy đổ xiêu vẹo nhưng không sửa chữa, tu bổ kịp thời, nên không phát huy tác dụng, không đảm bảo các điều kiện an toàn nhưng chậm được khắc phục. Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phương tiện giao thông tăng quá nhanh: Năm 2007, các phương tiện cơ giới đường bộ tăng quá nhanh, tính đến ngày 30/6/2007 số phương tiện đăng ký tại tỉnh Quảng Ngãi là 301.826 xe, trong đó ôtô 7.433 xe, môtô xe máy 294.393 xe, so 6 tháng đầu năm 2006 ôtô tăng 10,03%, môtô xe máy tăng 14,61%. Bên cạnh đó áp lực phải thúc đẩy tiến độ thi công trên các công  trình, các khu công nghiệp trong tỉnh nên lượng phương tiện đăng ký ở các tỉnh khác tham gia hoạt động trên địa bàn rất lớn, có hàng ngàn phương tiện ngày đêm thi công trên các công trường và trên 15.000 môtô của công nhân, học sinh tham gia giao thông, nhất là trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và huyện Bình Sơn.

Tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp yêu cầu phát triển của các phương tiện giao thông. Nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng như đường các tuyến đường trong khu Kinh tế Dung Quất, đường Châu Ổ - Trà Bồng, đường Sơn Tịnh –Sơn Hà, đường đi Thạch Nham, đường liên huyện, liên xã…Chính sự xuống cấp của những đoạn đường này là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông theo chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn số người chết và bị thương. Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông tỉnh thì tỷ lệ xảy ra tai nạn trên các tuyến đường  trong 6 tháng đầu năm 2007 như sau: quốc lộ 1A 65 vụ chiếm 41,4%, quốc lộ 24 5 vụ chiếm 3,2%, tỉnh lộ 31 chiếm 19,7%, nội thành 15 vụ chiếm 9,6%, liên huyện xã 41 vụ chiếm 26,1% vụ.

Tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến đường như sau: đường bộ 157 vụ tăng 33,1%, đường sắt 05 vụ tăng 400%, đường thuỷ 01 vụ tăng 100% so cùng kỳ năm 2006. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh là đáng báo động (sáu tháng đầu năm 2007 xảy ra 5 vụ làm chết 5 người, so 6 tháng đầu năm 2006 tăng 400%) mà chủ yếu xảy ra ở những điểm, địa bàn thường không có đầy đủ các biển báo, các tín hiệu giao thông như vụ tai nạn xảy ra ngày tại địa bàn huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ...Trao đổi với chúng tôi, anh Đồng Văn Sam, đội trưởng đội thanh tra số 8 thuộc Thanh tra Cục đường sắt, thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành cho biết các đơn vị quản lý đường sắt đã có nhiều kiến nghị đối với chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua, đặc biệt là những nơi nhân dân tự mở đường băng qua đường sắt thì tai nạn luôn rình rập và xảy ra bất cứ lúc nào bởi sự bất cẩn, không chấp hành đúng luật lệ giao thông của người dân. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng trên ngoài nguyên nhân chủ quan, sự bất cẩn, ý thức chấp hành… của người tham gia giao thông, còn một số lý do khác nữa là do các cơ quan đơn vị quản lý công trình giao thông đường sắt không thực hiện hết trách nhiệm của mình như bổ sung, thay mới những biển báo, tín hiệu giao thông ở các đoạn đường ngang qua đường sắt thường hay xảy ra tai nạn đã bị hư hỏng, hoặc bị che khuất tầm nhìn.

Thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, bên cạnh những biện pháp mạnh, cứng trong việc tuần tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đầu tư đồng bộ cho cơ sở hạ tầng giao thông nhằm khắc phục căn bệnh trầm kha về sự yếu kém không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế của hạ tầng giao thông.

Phần thứ ba: Sự xuống cấp, quá tải của những con đường và những tai nạn giao thông không thể lường trước

Để có những hình ảnh, số liệu cụ thể, chúng tôi đã cùng đoàn kiểm tra đi gần khắp các tuyến đường trong tỉnh. Phải nói sự hình thành và phát triển các tuyến đương giao thông trong tỉnh đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các vùng, miền và quan trọng hơn cũng nhờ những tuyến đường này mà nông thôn đã có những bước tiến gần đô thị hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các vùng, miền trong toàn tỉnh từng bước được cải thiện hơn. Song nỗi lo của người dân khi tham gia giao thông cũng tăng thêm.

Sự xuống cấp của những con đường: Trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, bên cạnh các nguyên nhân chủ quan như phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường, lấn đương, không làm chủ tốc độ, tình trạng phương tiện tham gia giao thông xuống cấp, sự bất cẩn của người tham gia giao thông…có một vấn đề đặt ra cho các cấp các ngành phải quan tâm nhiều hơn đó là sự xuống cấp của những con đường, hay nói cách khác hạ tầng giao thông không đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Trên toàn tuyến có hơn 1000km đường sắt, đường quốc lộ 1A, quốc lộ 24A và tỉnh lộ, đi qua các huyện, thành phố trong tỉnh, hàng năm nhà nước đầu tư vài tỷ đồng cho việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các tuyến đường, nhưng với hạ tầng cơ sở như đã trình bày ở trên thì với nguồn kinh phí ấy cũng chỉ là muối bỏ biển. Một mặt do chất lượng thi công các tuyến đường chất lượng không cao (đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã hỏng). Mặt khác sự tăng quá nhanh về số lượng các phương tiện giao thông trên cả tỉnh (đến ngày 30/6/2007 số phương tiện đăng ký tại tỉnh Quảng Ngãi là 301.826 xe, trong đó ôtô 7.433 xe, môtô xe máy 294.393 xe), với áp lực rất lớn để đẩy nhanh tiến độ thi công cho kịp thời gian, nên các đơn vị thi nhau tăng ca, tăng chuyến, làm cho sức chịu đựng, tuổi thọ của các tuyến đường theo năm tháng bị tàn phá, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường chưa kịp vá chỗ này thì lại hư chỗ khác, các tuyến đường trong tỉnh (kể cả đường quốc lộ 1A và quốc lộ 24) đều như tấm áo vá chằng chịt và đã xuất hiện những ổ trâu, ổ voi trên các tuyến đường nhưng vẫn phải oằn mình để tải những chuyến xe đầy đất đá, vật tư, nguyên liệu cho các công trình. Sự sôi động, nhộn nhịp trên công trường cho thấy tính chất khẩn trương và quyết tâm của các đơn vị thi công nhằm đạt đích đưa nhà máy vào hoạt động trong năm 2009. Song, tiềm ẩn đâu đó, rình rập quanh ta những bất cập của những tử thần, nếu như mọi người (kể cả chủ phương tiện và mọi người tham gia giao thông) không chủ động đề phòng những rủi ro, những bất cẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Những tai nạn không thể lường trước: Theo báo cáo phân tích tình hình vi phạm an toàn giao thông trong bảy tháng đầu năm 2007 trên địa bàn toàn tỉnh của lực lượng cảnh sát giao thông cho thấy: trong 180 vụ tai ngạn giao thông lớn thì có 162 vụ liên quan đến môtô xe máy; trong số 136 người chết có 106 người liên quan đến môtô xe máy, trong 141 người bị thương có 136 người liên quan đến môtô xe máy. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là tránh vượt sai quy định làm chết 24 người, chạy quá tốc độ làm chết 29 người, không chú ý quan sát làm chết 45 người, không đi đúng phần đường làm chết 13 người, do người đi bộ gây ra làm chết 11 người. Địa bàn để xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất là huyện Bình Sơn 33 vụ làm chết 35 người, bị thương 10 người. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông trong bảy tháng đầu năm xảy ra ở địa bàn nông thôn 119 vụ, thị trấn 22 vụ, thành phố 16 vụ. Về nguyên nhân xảy ra tai nạn: vi phạm tốc độ 27 vụ, tránh vượt sai 28 vụ, không quan sát 66 vụ, đi không đúng phần đường 17 vụ, do người đi bộ 19 vụ. Độ tuổi: từ 16 tuổi trở lên 151 vụ, dưới 16 tuổi 6 vụ. Như vậy nguyên nhân trực tiếp làm thiệt hại về người chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông bằng phương tiện môtô xe máy, điều khiển môtô xe máy khi đã dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích, không có giấy phép lái xe khi điều khiển ôtô, môtô xe máy; đi môtô xe máy không đúng làn đường, chở quá số người quy định; phóng nhanh, tránh vượt ẩu, lạn lách vi phạm tốc độ tối đa cho phép, lấn đường, giành đường, trước khi chuyên hướng không quan sát, không đội mũ bảo hiểm…

Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng đó là sự hám tiền của một số chủ xe buộc tài xế phải chạy nhanh để quay được nhiều tua và kiếm được nhiều tiền đã là áp lực đè năng lên tài xế. Theo tài xế LVT và VĐT cho biết vào những đợt cao điểm như lễ, tết, dịp học sinh đi thi đại học, dịp nghỉ hè, nhập trường… chủ xe buộc phải chạy nhanh để quay vòng xe, tài xế như chúng tôi  không chạy thì tài xế khác cũng chạy mà thôi à. Chúng tôi vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo nên phải làm theo ý chủ, vẫn biết rằng chạy như vậy là nguy hiểm lắm. Tôi luôn tự nhủ mình phải thật cẩn thận mỗi khi bước vào buồng lái, nếu không chỉ cần một chút bất cẩn thôi là tai hoạ sẽ giáng xuống liền à.

Một áp lực khác cũng khiến cho số vụ tai nạn giao thông gia tăng, đó là việc chủ các phương tiện giao thông khoán giờ, khoán chuyến, khoán khách khiến cho các tài xế phải chạy đua với thời gian và tình trạng chạy bừa, chạy ẩu vi phạm các qui định về an toàn giao thông là không thể tránh khỏi. Chính những hiện tượng này đã gây sự bất bình, kêu thán, phàn nàn của khách do phải đi trên những chuyến xe như vậy, đường xấu, phương tiện cũ kỹ, xuống cấp, lái xe chạy ẩu và tai nạn luôn là nỗi lo của mọi người.

Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông tỉnh cho biết trong sau tháng đầu năm lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đã tổ chức tuần tra 6.673 lượt, xử lý 558 trường hợp không bảo đảm an toàn kỹ thuật, xe hết niên hạn, hoạt động không đúng tuyến, không đúng lịch trình, chở quá số người qui định; xử lý 316 trường hợp chở quá tải trọng cầu đường; cảnh cáo giáo dục 228 trường hợp, xử lý 12.684 trường hợp không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm…; tước giấy phép lái xe 50 trường hợp; bấm lỗ trên giấy phép lái xe 247 trường hợp.

Tuy nhiên một bộ phận khá lớn người tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, khi có lực lượng kiểm tra, kiểm soát thì chấp hành, lúc không có lực lượng kiểm tra, kiểm soát thì vi phạm (kể cả địa bàn đô thị và nông thôn), nhất là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, giành đường, lấn đường… Đây chính là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn bất ngờ cho những người tham gia giao thông.                                                              

Phần cuối: Ý thức của người tham gia giao thông - Công tác tuyên truyền về ATGT - Trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương

Khi nói về vấn đề an toàn giao thông, người ta thường nhắc nhiều đến những nguyên nhân chủ quan, khách quan, những yếu tố có tác động đến quá trình tham gia giao thông. Vâng, hoàn toàn đúng. Song trên từng lĩnh vực, từng mối quan hệ giữa người tham gia giao thông, các phương tiện tham gia giao thông đều là những mối quan hệ khắng khít với nhau, chịu sự tác động qua lại lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau và cũng là những nguyên nhân trực tiếp của nhau. Ở từng góc độ chúng tôi xin trao đổi những mối quan hệ này và cùng luận bàn những việc cần làm để làm sao giảm thiểu tai nạn giao thông trên tất cả các mặt.

 Ý thức của người tham gia giao thông: Đây là vấn đề đầu tiên và cũng có lẽ là quan trọng bậc nhất trong hoạt động của tất cả những người tham gia giao thông. Ý thức của người tham gia giao thông, dù là vô tình hay cố ý đều để lại những hậu quả khôn lường. Chẳng hạn vì vội chạy cho kịp giờ làm việc, hay cho kịp chuyến hàng, cuộc hẹn…, hay do sao nhãng không quan sát khi đến các đoạn đường có tín hiệu đèn xanh, đỏ mà cố tình vượt đèn đỏ mà quên mất rằng đối diện với mình là cả hàng trăm phương tiện giao thông khác cũng đang hoạt động, và như vậy đã vô tình làm cản trở các phương tiện giao thông khác, gây ùn tắc, đôi khi là nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông. Đôi khi chỉ vì những chủ quan, những bất cẩn, sơ suất, thậm chí cả những hành động, việc làm tắc trách đã vi phạm những quy định của luật giao thông nên gây nên những hậu quá đáng tiếc. Một nguyên nhân khác gây ra những vụ tai nạn thảm khốc làm chết nhiều người, làm thiệt hại lớn tài sản của nhà nước và công dân để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đó là một bộ phận khá lớn người tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, là sự tranh giành khách, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, chạy vượt quá tốc độ, chở vượt quy định. Ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, cho rằng mình đã làm chủ kỹ thuật, quen đường, tay lái vững, không quan sát, không kiểm tra kỹ thuật phương tiện trước khi sử dụng…, nhất là một số người khi đã sử dụng men bia rượu mà vẫn tham gia giao thông thì sự chủ quan lại càng tăng gấp bội lần, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp gây tai nạn giao thông. Ý thức chấp hành đúng các quy định của luật giao thông đường bộ của những người tham gia giao thông có ý nghĩa quyết định cho sự an toàn của tất cả mọi người.

Công tác tuyên truyền về an toàn giao thông: Theo đánh giá của Ban an toàn giao thông, đối tượng gây tai nạn giao thông nhiều nhất là ôtô, môtô, xe gắn máy - chiếm khoảng trên 85% số vụ. Lứa tuổi vi phạm chủ yếu là thanh, thiếu niên, nên nội dung tuyên truyền cần tập trung chủ yếu vào đối tượng này khi tham gia giao thông bằng môtô xe gắn máy; cảnh báo các hành vi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông là: phóng nhanh vượt ẩu; không quan sát khi vượt, chuyển hướng; đi không đúng làn đường, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô xe gắn máy; chở quá số người quy định…v.v. Bên cạnh việc phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông, cần phải đặc biệt quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, thông qua các sinh hoạt cụm dân cư, khu dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học, muốn vậy phải phối hợp các đội tuyên truyền của ngành văn hoá thông tin, các tổ chức chính trị-xã hội để đào tạo các tuyên truyền viên, thường xuyên cung cấp các thông tin cho đội ngũ tuyên truyền viên. Đồng thời Ban an toàn giao thông phải dành kinh phí để sản xuất, in ấn cung cấp các băng, đĩa hình, tờ rơi, tờ gấp để làm tài liệu tuyên truyền trực quan và thường xuyên cung cấp cho các địa phương, các cơ quan, đơn vị, trường học, các đội tuyên truyền, các tổ, xóm, khu dân cư để mọi người được tuyên truyền nhớ lâu, nhớ kỹ.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương: Giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông đang là nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ trong nhiệm kỳ mới, là đòi hỏi chính đáng của mọi công dân. Sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của chính phủ cũng là đòi hỏi sự tích cực chủ động phòng ngừa của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền. Khi đã tìm ra các nguyên nhân chủ quan, khách quan, thì vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải khắc phục sửa chữa như thế nào để tồn tại đó không tái diễn, không còn là những ám ảnh của người tham gia giao thông, đặc biệt là những điểm đen đã được cảnh báo.

Đối với ngành đường sắt: Cần có sự phối hợp chắt chẽ giữa ngành chủ quản với chính quyền địa phương để có kế hoạch khắc phục ngay những tồn tại đã nêu ở phần 1 - 2, tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, nhất là các tuyến đường đang thi công phải đúng thiết kế nền mặt đường bộ và phù hợp với đường sắt - không để tình trạng “thắt cổ chai” tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Khẩn trương sửa chữa, khắc phục cho đúng tiêu chuẩn kỹ thuật (kể cả biển báo, tầm nhìn, gờ giảm tốc độ…) đối với những điểm đường ngang thuộc phạm vi quản lý của ngành đường sắt.

Kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải: chỉ đạo cho chỉnh tuyến quốc lộ 24 hoặc tịnh tiến ga Thạch Trụ về phía Nam vì đường ngang tại lý trình Km 958+544 nằm trong ga, làm cản trở giao thông đường bộ trên quốc lộ 24. Đối với đường ngang lý trình Km 928+222 (đoạn đường sắt cắt đường Nguyễn Thụy-thành phố Quảng Ngãi), Bộ Giao thông vận tải cho làm cầu vượt hoặc dời ga Quảng Ngãi đến vị trí mới phù hợp cho sự phát triển của thành phố trong tương lai (vì ga Quảng Ngãi hiện tại hẹp bề ngang, ngắn bề dài) đường ngang nằm trong ga rất bất tiện, ảnh hưởng rất nhiều cho giao thông trong đô thị.

Ngành đường sắt nâng cấp 10 điểm đường ngang phòng vệ có người gác, hoặc có cảnh báo tự động (10 điểm cụ thể trong báo cáo của đoàn kiểm tra).

Đối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh: Tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu đã giành thời gian thảo luận, đánh giá, chất vấn các cơ quan chức năng về tình hình trật tự an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh và đưa ra một số giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2007 nhằm thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị quyết 32 của Chính phủ, cụ thể:

- Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp các sở ngành, địa phương hoàn chỉnh quy hoạch đầu nối vào quốc lộ, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt truển khai thực hiện; triển khai quy hoạch đầu nối vào các tuyến đường tỉnh; hoàn chỉnh, trình duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch giải toả “hành lang an toàn giao thông đường bộ” và kế hoạch xoá điểm đen và tụ điểm phức tạp về an toàn giao thông trên quốc lộ 1A, quốc lộ 24, quốc lộ 24B và các tuyến đường tỉnh. Kiên quyết không cho đầu tư xây dựng chợ, khu dân cư, trường học đấu nối trực tiếp vào quốc lộ, đường tỉnh.

- UBND các huyện, thành phố cần chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại nêu trong kiến nghị của đoàn kiểm tra liên ngành. Đồng thời rà soát các chợ, trường học, các tụ điểm phức tạp về an toàn giao thông trên đại bàn để có kế hoạch di dời, xây dựng đường gom, tăng cường các biện pháp an toàn để phòng ngừa tai nạn. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giải toả “hành lang an toàn giao thông đường bộ” và xoá điểm đen đối với hệ thống giao thông đã phân cấp cho huyện, thành phố quản lý.

- Đối công tác tuyên truyền: Sở Tư pháp, Trưởng tiểu ban tuyên truyền, giao dục pháp luật về an toàn giao thông của tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, Mặt trận và các hội đoàn thể tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trong công tác tuyên truyền cần chú trọng đối tượng tham gia giao thông bằng môtô xe gắn máy, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên có ý thức chấp hành luật giao thông, tránh các hành vi: điều khiển mô tô, xe gắn máy khi đã dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích; không có giấy phép lái xe khi điều khiển ôtô, môtô, xe gắn máy; đi môtô, xe gắn máy không đúng làn đường, chở quá số người qui định; phóng nhanh, vượt ẩu vi phạm tốc độ tối da cho phép, trước khi chuyển hướng không quan sát. Vận động, tuyên truyền từ ngày 15/9/2007 yêu cầu bắt buộc mọi người khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến quốc lộ và từ 15/12/2007 yêu cầu bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường.

- Ngành Công an: Tăng cường lực lượng cho công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn; đặc biệt lưu ý những thời điểm, địa bàn trong jyếu thường xảy ra tai nạn giao thông, đồng thời sắp xếp, bố trí tăng cường lực lượng của tỉnh cho các huyện có tình hình phức tạp về an toàn giao thông; áp dụng các biện pháp xử lý mạnh theo đúng quy định của pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phạm luật. Phối hợp các ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt công tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.

- Ngành giao thông vận tải: Tăng cường lực lượng tuần tra thanh tra giao thông vận tải, bảo vệ công trình giao thông; yêu cầu các chủ quản công trình khắc phục kịp thời các nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ; xử lý xe quá khổ, quá tải; xe hết niên hạn sử dụng hoặc không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật vẫn hoạt động.

An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đìnhi”. Vâng, xin mọi người hãy nhớ, hãy lấy đây là khẩu hiệu riêng cho chính mình mỗi khi tham gia giao thông và luôn nhắc nhở mọi người xung quanh, nhất là trong cùng cơ quan, đơn vị, gia đình mình cùng nhau thực hiện tốt câu khẩu hiệu này. Bởi không dễ nếu như mỗi chúng ta không thực sự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chấp hành các quy định của luật giao thông, không thấy hậu quả của các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Sự hiểu biết của bạn, của tôi, của mọi người chắc chắn sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần giảm thiểu những vi phạm, những vụ tai nạn giao thông không đáng có trên địa bàn. Đừng để những thiếu hiểu biết về luật giao thông và thiếu ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông sẽ là tai hoạ giáng lên đầu những người khác, đồng thời cướp đi những sinh mạng, những tài sản của những người quanh ta./.

Minh Hoà

Xem thêm »