Cần đăng các công văn, hướng dẫn của các ngành vào công báo

08/11/2007
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Hiện nay, để điều chỉnh một quan hệ xã hội thì cần phải có các văn bản pháp luật. Trên là văn bản luật mà cao nhất là Hiến pháp, bộ luật, luật, lệnh và pháp lệnh, dưới là các văn bản dưới luật như nghị định, quyết định, chỉ thị, sau nữa là các thông tư liên tịch, thông tư, văn bản hướng dẫn...

Để có đầy đủ các loại văn bản pháp luật này thì có rất nhiều nguồn cung cấp như: Qua phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình, internet...), công báo, bằng đường công văn... nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, không có hệ thống.

Có thể nói hiện nay nguồn cung cấp văn bản pháp luật đầy đủ, chính xác nhất là Công báo Chính phủ được tất cả các đơn vị hành chính và các cơ quan bảo vệ pháp luật, tư vấn pháp luật, công dân.. sử dụng và đây là nguồn chính thống để áp dụng pháp luật và cũng thuận tiện nhất (chỉ thông qua hình thức đặt mua công báo). Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng phần nào vì Công báo chỉ đăng từ Hiến pháp, bộ luật, luật đến Thông tư còn các văn bản hướng dẫn thi hành của các Bộ, ngành thì không đăng.

Như chúng ta đã biết để cụ thể được các văn bản pháp luật do Quốc hội, uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành thường thì phải có thông tư, văn bản hướng dẫn của các ngành liên quan. Ví dụ, thuật ngữ thường được dùng trong Bộ luật hình sự là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” nhưng trong Bộ luật này không quy định như thế nào là rất nghiêm trọng nên cần phải có công văn hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao về thuật ngữ này, tương tự như thế liên quan đến Luật đất đai thì cần phải có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường... thì Công báo hiện nay không đáp ứng được điều kiện này.

Chúng tôi là những người thường xuyên sử dụng các văn bản pháp luật trong công tác và có cũng có tương đối nhiều nguồn cung cấp văn bản nhưng nhiều lúc cũng không thể cập nhật đầy đủ, chính xác tất cả các vấn đề pháp luật một cách nhanh nhất để giải quyết vụ việc. Mặt khác, có Bộ, ngành lại chỉ ban hành văn bản để hướng dẫn “nội bộ” nên việc áp dụng pháp luật chính xác, kịp thời càng khó khăn hơn. Do vậy, nhiều khi người áp dụng pháp luật, thi hành pháp luật luôn phải “xin”, mượn văn bản của các ngành liên quan, vì thường thì liên quan đến ngành nào thì chỉ ngành đó mới có. Đối với các cơ quan nhà nước còn thiếu văn bản, hướng dẫn nên đối với là người dân - người chấp hành pháp luật cuối cùng lại càng khó khăn hơn.

Vậy, theo chúng tôi cần phát huy tính tích cực của nguồn cung cấp văn bản pháp luật là Công báo (khi mà mạng internet - nguồn cung cấp văn bản nhanh và hiệu quả chưa phát triển đồng đều và trình độ sử dụng còn hạn chế) và đặc biệt là khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực, kể từ ngày đăng Công báo, trừ trường hợp văn bản đó quy định ngày có hiệu lực khác. Do vậy, việc nên đăng bổ sung vào Công báo văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành ở Trung ương là cần thiết. Hoặc có thể cho in thêm một cuốn Công báo mới chỉ chuyên đăng các công văn hướng dẫn của các Bộ, ngành hay liên ngành theo từng khối cơ quan, ban, ngành... Ví dụ như Khối nội chính bao gồm Toà án, Viện kiểm sát, Công an, Tư pháp, Thanh tra...ra một số Công báo đăng các văn bản hướng dẫn của các ngành này, có thể ra hàng quý hoặc nửa năm, từng năm tuỳ theo số lượng các công văn nhiều hay ít.

Có như vậy thì mới tránh được việc xử lý vụ việc oan sai, áp dụng pháp luật mà không có văn bản hướng dẫn đã từng xảy ra nơi này nơi kia, gây phiền hà cho nhân dân, đồng thời các cơ quan thực thi pháp luật có cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, đúng pháp luật./.

Phạm Văn Chung

Xem thêm »