Những nội dung cơ bản của Hiến chương ASEAN

18/12/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 15/12/2008, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 14 họp tại thủ đô Jakarta, Indonesia chính thức tuyên bố Hiến chương ASEAN bắt đầu có hiệu lực. Đây được coi là một mốc lịch sử quan trọng trong cơ cấu tổ chức, xác định lại vị thế của ASEAN để đối phó tốt hơn với những thách thức trong thế kỷ 21.

Trước khi có Hiến chương ASEAN, ASEAN hoạt động trên cơ sở văn kiện chính trị nền là Tuyên bố Băng Cốc ra đời ngày 8/8/1967. Tuyên bố Băng Cốc và các văn kiện chính trị sau này là tập hợp những nguyên tắc, luật lệ và hành xử quan trọng, giúp ASEAN phát triển, đoàn kết, năng động. Tuy nhiên, do các văn kiện chính trị này khá lỏng lẻo và có giá trị ràng buộc thấp về pháp lý nên đã tạo ra những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện các cam kết của ASEAN. Ý tưởng xây dựng một bản Hiến chương khởi đầu từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 năm 2004, khi các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí xây dựng bản Hiến chương ASEAN. Sau đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11 (năm 2005), ASEAN đã đề ra các nguyên tắc chỉ đạo cho việc xây dựng Hiến chương và quyết định lập Nhóm các nhân vật nổi tiếng (EPG) để tư vấn cho việc xây dựng Hiến chương. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 (năm 2007), lãnh đạo các nước ASEAN đã ký thông qua Hiến chương ASEAN và ra Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm hoàn tất việc phê chuẩn Hiến chương trong vòng một năm.

Hiến chương ASEAN gồm Lời nói đầu và 13 Chương, 55 Điều, với các nội dung: Mục đích - Nguyên tắc hoạt động; Tư cách pháp nhân; Quy chế thành viên; Cơ cấu tổ chức; Các thể chế liên quan ASEAN; Các ưu đãi miễn trừ; Ra quyết định; Giải quyết tranh chấp; Tài chính - Ngân sách; Các vấn đề hành chính - thủ tục; Biểu trưng và biểu tượng; Quan hệ đối ngoại và các điều khoản chung.  

Về mục đích, nguyên tắc, chương I Hiến chương khẳng định lại các mục đích và nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhất là mục đích hoà bình, an ninh, ổn định và hợp tác khu vực cũng như nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của nhau; đồng thời bổ sung một số mục đích và nguyên tắc mới phù hợp tình hình như: nguyên tắc các nước không tham gia và không cho phép bất kỳ quốc gia, đối tượng nào được sử dụng lãnh thổ của một nước thành viên để chống lại một nước thành viên khác.  

Tư cách pháp nhân: Chương II của Hiến chương quy định, ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ và có tư cách pháp nhân. Trước khi có Hiến chương ASEAN, ASEAN hoạt động trên cơ sở văn kiện chính trị nền là Tuyên bố Băng cốc ra đời ngày 8/8/1967, chứ không phải một văn kiện pháp lý. Như vậy là lần đầu tiên sau 40 năm tồn tại và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức có tư cách pháp nhân.   

Về cơ cấu tổ chức, Chương IV Hiến chương nêu rõ: Bộ máy chính sẽ bao gồm Hội nghị cấp cao (là cơ quan quyết định chính sách cao nhất, họp hai lần một năm thay vì mỗi năm một lần trước đây); lập bốn hội đồng cấp bộ trưởng, trong đó ba hội đồng về từng trụ cột của Cộng đồng ASEAN (gồm chính trị - an ninh; kinh tế và văn hoá-xã hội) và một hội đồng điều phối chung (gồm các bộ trưởng ngoại giao); các hội nghị bộ trưởng chuyên ngành; Uỷ ban các đại diện thường trực của các nước tại ASEAN, thường trú tại Jakarta, Indonesia; Ban Thư ký ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN; Ban Thư ký ASEAN quốc gia. Ngoài ra, ASEAN cũng sẽ lập Cơ quan nhân quyền ASEAN và quy định cơ quan này sẽ phải hoạt động phù hợp điều khoản tham chiếu (TOR) do các bộ trưởng ngoại giao quyết định sau, trong đó xác định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc của cơ quan này.  

Về cách thức ra quyết định, Chương VII Hiến chương ASEAN quy định nguyên tắc chủ đạo là đồng thuận; khi không đạt được đồng thuận, Hội nghị cấp cao ASEAN sẽ quyết định về cách thức ra quyết định phù hợp.  

Về thực thi các quyết định trong lĩnh vực kinh tế, có thể áp dụng công thức linh hoạt ASEAN-X, theo đó sẽ cho phép các nước có điều kiện, thực hiện việc mở cửa kinh tế, thị trường trước, nhưng phải trên cơ sở có đồng thuận về việc áp dụng phương thức đó.  

Giải quyết tranh chấp: Chương VIII của Hiến chương nêu rõ, các nước ASEAN giải quyết tranh chấp, bất đồng theo nguyên tắc hoà bình, thông qua thương lượng dựa trên các thoả thuận đã có của ASEAN. Trường hợp bất đồng không giải quyết được hoặc có vi phạm nghiêm trọng Hiến chương, vấn đề sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao quyết định.

Khẩu hiệu của ASEAN là: “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” và chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Hiệp hội. Hiến chương ASEAN quy định Hiệp hội sẽ có một "quốc ca chung" gọi là “ASEAN ca”. Sẽ có cuộc thi tuyển sáng tác “ASEAN ca” ở mỗi nước thành viên để sau đó lãnh đạo cấp cao các nước chọn ra “ASEAN ca” chính thức. Hiến chương cũng quy định ngày 8/8 là Ngày ASEAN.

Hiến chương ASEAN cũng phê chuẩn lá cờ của ASEAN gồm bốn màu: xanh da trời, đỏ, trắng, vàng, thể hiện bốn màu chủ đạo trên quốc kỳ của các nước thành viên ASEAN. Trong đó, màu xanh da trời biểu hiện cho hoà bình và ổn định. Màu đỏ thể hiện dũng khí và sự năng động. Màu trắng là sự thuần khiết và màu vàng là biểu trưng cho sự thịnh vượng. Bó lúa in trên lá cờ tượng trưng cho ước mơ của các thành viên sáng lập ASEAN về một ASEAN gắn bó bằng tình hữu nghị và đoàn kết.

Mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và Hiến chương ASEAN ra đời và có hiệu lực là một quá trình phấn đấu bền bỉ của các nước trong Hiệp hội, là một nhu cầu khách quan, phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên. Với Việt Nam, "đây là sự kiện quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong tiến trình hội nhập khu vực và góp phần thúc đẩy hợp tác và phát triển của tổ chức ASEAN" (trích lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao).

Khánh Vân

Xem thêm »