Quy định về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông

05/12/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 3/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2008/NĐ-CP về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, Nghị định này áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.

Các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, không phân biệt quy mô vốn, khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông phải lập dự án đầu tư và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, quy định tại Nghị định này.Các dự án đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông thuộc diện phải thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm:

a) Dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài không phân biệt quy mô vốn đầu tư.

b) Dự án đầu tư trong nước thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông không phân biệt quy mô vốn đầu tư.

c) Dự án đầu tư trong nước cung ứng dịch vụ chuyển phát và cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có quy mô vốn từ 300 (ba trăm) tỷ đồng trở lên.

Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thẩm tra đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát và cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện phải thẩm tra. Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện thẩm tra đối với các dự án đầu tư không thuộc diện quy định tại điểm a, khoản này. Nội dung, quy trình thẩm tra dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật chuyên ngành

Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư phải phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư. Trường hợp thời hạn hoạt động của dự án đầu tư dài hơn thời hạn theo quy định của pháp luật về giấy phép chuyên ngành thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc cấp lại hoặc gia hạn giấy phép chuyên ngành theo quy định.

Việc chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư không bao gồm việc chuyển nhượng giấy phép đầu tư chuyên ngành bưu chính, chuyển phát, viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng. Việc chuyển nhượng vốn đối với phần vốn góp nước ngoài phải phù hợp với quy định tại Nghị định này và các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực có liên quan. Trong trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư, chuyển nhượng vốn, tạm ngừng, hoặc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét việc cấp lại hoặc thu hồi giấy phép chuyên ngành theo quy định của pháp luật về bưu chính, viễn thông.

Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này với quy định của Nghị định khác về cùng một vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông thì áp dụng quy định của Nghị định này. Đối với các điều ước, thoả thuận hoặc văn kiện quốc tế khác mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có những quy định khác với quy định của Nghị định này thì thực hiện theo các quy định trong các văn bản quốc tế đó.

Dự án đầu tư thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông phải thoả mãn các điều kiện sau:

Đối với các dự án trong lĩnh vực viễn thông phải :

a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển viễn thông của Việt Nam.

b) Đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật về viễn thông; quy hoạch phân bổ tài nguyên thông tin và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Đối với chủ thể:

a) Nhà đầu tư trong nước:

- Phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối.

- Trong trường hợp dự án đầu tư có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia thì phải có ít nhất một nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối và nhà đầu tư này có tỷ lệ phần vốn góp chiếm ít nhất 51% tổng số vốn đầu tư của dự án.

b) Nhà đầu tư nước ngoài:

- Phải liên doanh hoặc liên kết với nhà đầu tư trong nước đã được cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng và cung ứng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.

- Có tỷ lệ phần vốn góp phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam ngoại trừ trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam có quy định thuận lợi hơn.

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Huệ Hương

Xem thêm »