Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính

19/12/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 16/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2008.

Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC, nếu qua 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không thực hiện hành vi vi phạm trong cùng lĩnh vực trước đây đã bị xử phạt thì được coi như chưa bị xử phạt VPHC về hành vi đó. Thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác (giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh…) là 02 năm…

Việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được coi là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, áp dụng có thời hạn hoặc không thời hạn, nếu có thời hạn thì tối đa không quá 12 tháng…

Việc uỷ quyền xử lý VPHC chỉ được thực hiện đối với cấp phó. Việc uỷ quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Việc uỷ quyền xử lý VPHC phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn uỷ quyền. Trường hợp quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì việc uỷ quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt…

Việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC vào ban đêm chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Trường hợp khẩn cấp có căn cứ cho rằng nếu không tổ chức khám ngay thì tang vật, phương tiện VPHC sẽ bị tẩu tán, tiêu huỷ hoặc việc thu thập chứng cứ không thể thực hiện được; Trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC đang được thực hiện mà chưa kết thúc, được bắt đầu từ trước 22 giờ cùng ngày mà chưa kết thúc đến 5 giờ sáng ngày hôm sau…

Khi phát hiện VPHC, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải ra quyết định đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Quyết định đình chỉ có thể là quyết định bằng văn bản hoặc quyết định thể hiện bằng lời nói, còi, tín hiệu hoặc các hình thức khác tuỳ từng trường hợp vi phạm cụ thể…

Đối với vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thêm thì phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp là 30 ngày…

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009.

N.C

Xem thêm »