Ngày 31/12/2008, được sự uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên đã ký ban hành Thông tư số 10/2008/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17/7/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Sau đây, Vụ Hợp tác quốc tế xin giới thiệu một số điểm lớn cần chú ý của Thông tư này.
Xuất phát từ cách tiếp cận mới trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Thông tư chỉ hướng dẫn những nội dung nào mà Nghị định số 78/2008/NĐ-CP cho phép hướng dẫn. Trên cơ sở đó, về phạm vi điều chỉnh, Thông tư chỉ hướng dẫn hai vấn đề sau: Hội đồng thẩm định các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật; chế độ báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
1. Về Hội đồng thẩm định chương trình, dự án hợp với nước ngoài về pháp luật:
Theo Điều 13 Nghị định số 78/2008/NĐ-CP, thì Hội đồng thẩm định đối với các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Tư pháp thành lập trong 03 trường hợp sau: Dự án có nội dung liên quan đến nhiều Bộ, ngành; Các Bộ, ngành có ý kiến khác nhau về nội dung của chương trình, dự án; Các chương trình, dự án do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản. Trên cơ sở đó, Thông tư số 10/2008/TT-BTP đã hướng dẫn chi tiết về thành phần và Quy chế làm việc của Hội đồng thẩm định như sau:
- Về thành phần: Hội đồng bao gồm Chủ tịch và Thư ký Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp. Các thành viên Hội đồng gồm đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các cơ quan, tổ chức có liên quan nhưng không bao gồm đại diện đơn vị đề nghị thẩm định. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định danh sách cụ thể các thành viên của Hội đồng thẩm định theo đề nghị của các Bộ, ngành liên quan. Điểm đáng lưu ý ở đây là Thông tư có quy định về cơ chế huy động chuyên gia tham gia vào quá trình thẩm định: căn cứ vào tính chất, nội dung của chương trình, dự án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc mời các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia Hội đồng thẩm định để tham gia ý kiến tư vấn phục vụ cho hoạt động của Hội đồng thẩm định. Quy định này thể hiện chính sách cởi mở, phát huy trí tuệ, chất xám của giới khoa học trong việc cung cấp thêm các luận điểm khách quan để các thành viên Hội đồng có cơ sở trước khi quyết định.
- Về Quy chế làm việc của Hội đồng thẩm định: Thông tư số 10/2008/TT-BTP hướng dẫn rất chi tiết về trình tự cuộc họp của Hội đồng thẩm định, việc chuẩn bị văn bản thẩm định. Điểm mới đáng lưu ý ở đây là quy định về cơ chế tiếp thu ý kiến thẩm định, theo đó cơ quan chủ quản có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định. Trong trường hợp không nhất trí với ý kiến của Hội đồng thẩm định, thì cơ quan chủ quản phải có ý kiến giải trình bằng văn bản gửi Bộ Tư pháp. Nếu không nhất trí với ý kiến giải trình của cơ quan chủ quản, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với cơ quan chủ quản để thống nhất ý kiến. Trong trường hợp cơ quan chủ quản vẫn bảo lưu quan điểm của mình, thì Bộ Tư pháp có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Quy định này thể hiện rõ vai trò của Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
2. Về Chế độ báo cáo:
Về cơ bản, chế độ báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án vẫn đảm bảo sự kế thừa các quy định trước đây trong Thông tư số 10/1999/TT-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/1998/NĐ-CP ngày 26/12/1998 về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Tuy nhiên, để góp phần tạo nên sự đồng bộ về chế độ báo cáo quy định trong các văn bản về ODA và viện trợ phi chính phủ, Thông tư số 10/2008/TT-BTP có một số điểm mới như sau:
- Thứ nhất, ngoài việc quy định về thời hạn gửi Báo cáo, Thông tư còn quy định rõ về các nội dung cần có trong Báo cáo (ngoài thông tin về tiến độ thực hiện chương trình, dự án còn có phần nhận xét, đánh giá sự đóng góp của chương trình, dự án vào quá trình cải cách pháp luật và cải cách tư pháp;
- Thứ hai, ngoài mẫu Phụ lục về Báo cáo chương trình, dự án; Thông tư còn thiết kế một mẫu Phụ lục về Đề cương đề xuất chương trình, dự án, nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình vận động, hình thành các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
Thông tư 10/2008/TT-BTP sẽ có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày 31/12/2008. Hy vọng rằng với sự ra đời của Thông tư này, khung pháp lý điều chỉnh hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp đã được hoàn thiện về cơ bản, đáp ứng được yêu cầu tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế phục vụ các mục tiêu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.
Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp