Một vài suy nghĩ về “công vụ” và “dịch vụ công”

09/01/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, một mục tiêu cụ thể được đặt ra trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính từ 2001-2010 là “các cơ quan trong hệ thống hành chính được xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng; chuyển được một số công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ đảm nhận”.

Cụ thể hơn, trong nội dung của Chương trình đã nêu rõ “chuyển cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ hoặc doanh nghiệp làm những công việc về dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp thực hiện”. Như vậy, một nội dung để thực hiện tinh giản bộ máy hành chính nhà nước là vấn đề tách bạch rõ ràng giữa những công việc nào mà Nhà nước phải thực hiện (theo đúng vai trò, chức năng của mình), những công việc nào Nhà nước và các chủ thể không mang quyền lực Nhà nước cùng thực hiện, những công việc Nhà nước có thể tham gia hay không tham gia thực hiện và những công việc chỉ để cho các chủ thể không mang quyền lực Nhà nước thực hiện.

Sự tách bạch trên đây là cần thiết và để làm được điều này thì việc phân biệt được hoạt động công vụ và dịch vụ công là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng.

Hoạt động công vụ và dịch vụ công có một điểm chung mà nếu không có sự phân biệt rõ ràng thì rất dễ dẫn đến nhầm lẫn đó là cả hai hoạt động này đều hướng tới mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích công cộng.

Theo Từ điển Tiếng việt công vụ được hiểu là “việc công”, theo cuốn Thuật ngữ pháp lý dùng trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì công vụ được hiểu là “hoạt động do cán bộ, viên chức, quân nhân tiến hành nằm thực hiện các nhiệm vụ được giao”, còn theo Dự thảo Luật Công vụ (do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo) có nêu định nghĩa về công vụ: “công vụ là hoạt động do công chức thực hiện nhằm phục vụ lợi ích chung của nhân dân và xã hội”. Như vậy, ngoài mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích công cộng, công vụ trước hết là hoạt động gắn với việc thực hiện quyền lực nhà nước, thực thi pháp luật (do công chức thực hiện) và được điều chỉnh chặt chẽ bằng pháp luật.

Công vụ có tính chất phục vụ bởi bản chất hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành – điều hành, hoạt động quản lý hành chính nhà nước, hoạt động thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước, đó cũng là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước nói chung và của nền hành chính nói riêng, đặc biệt, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì tính chất phục vụ này càng thể hiện rõ nét. Xuất phát từ tính chất phục vụ của công vụ, hoạt động công vụ do đó được bảo đảm thực hiện bằng ngân sách nhà nước và đối tượng được phục vụ của công vụ về nguyên tắc không phải trả tiền, hoạt động công vụ không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Đối tượng phục vụ hướng tới của công vụ là người dân có đủ điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật và các công dân đều bình đẳng trong việc hưởng quyền này;

Công vụ được thực hiện thông qua đội ngũ công chức hoặc những người được Nhà nước ủy quyền.

Dịch vụ công cũng giống với công vụ ở chỗ mục đích của nó nhằm phục vụ nhân dân, vì lợi ích công cộng, tuy nhiên, khác với công vụ, dịch vụ công không có tính chất phục vụ mà mang tính chất dịch vụ, tức là “công việc phục vụ trực tiếp cho những nhu cầu nhất định của số đông, có tổ chức và được trả công” từ đó dịch vụ công sẽ mang một số đặc điểm sau:

- Hoạt động dịch vụ công có thể do cả nhà nước và tư nhân thực hiện bởi nó không gắn với quyền lực nhà nước, không nhất thiết phải do Nhà nước thực hiện thông qua đội ngũ công chức;

- Dịch vụ công có thể được thực hiện thông qua quan hệ hợp đồng dân sự (hợp đồng dịch vụ) giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ;

- Do mang tính chất dịch vụ nên trong một chừng mực nhất định hoạt động dịch vụ công có thể hướng tới mục đích lợi nhuận;

- Đối tượng phục vụ có thể không bình đẳng hoàn toàn trong việc hưởng dịch vụ công vì có thể trong một số trường hợp có người dân có nhu cầu sử dụng, có người không có nhu cầu sử dụng, có người có điều kiện sử dụng và có người không, do vậy, người sử dụng có thể phải trả tiền.

Ngoài các hoạt động trên, có một hoạt động nữa cũng thường được nói tới đó là “dịch vụ hành chính công”, tuy nhiên, theo tác giả, dịch vụ hành chính công thực chất cũng là hoạt động công vụ vì nó gắn với yếu tố quyền lực nhà nước và pháp luật.

Tầm quan trọng của việc phân biệt trên đây còn là vấn đề xác định “xã hội hóa” hay không “xã hội hóa” một hoạt động của nhà nước, tức là chỉ có thể thực hiện “xã hội hóa” những hoạt động có tính chất của một dịch vụ công, đối với những hoạt động công vụ - dịch vụ hành chính công Nhà nước không thể chuyển giao cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện. Đồng thời, sự phân biệt này cũng có ý nghĩa làm cơ sở để tiếp tục thực hiện việc tách các hoạt động có tính chất sự nghiệp ra khỏi các hoạt động có tính chất quản lý hành chính nhà nước thuần túy. Cuối cùng, nó còn có một ý nghĩa là nếu là công vụ thì một công dân bất kỳ có quyền đòi hỏi được nhà nước thực hiện nếu anh ta đã có đủ các điều kiện do pháp luật quy định, còn dịch vụ công thì không phải như vậy./.      

NVD


 

Xem thêm »