Hà Nội: Vì sao các Văn phòng công chứng chưa hoạt động?

22/04/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Hôm 16/4/2008, 16 công chứng viên mới được bổ nhiệm đã có cuộc đối thoại trực tiếp với đại diện Sở Tư pháp Hà Nội về những vấn đề liên quan đến việc thành lập các Văn phòng công chứng. Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp cũng đã dự và có ý kiến với cuộc họp.

Thời gian qua, dư luận đã có nhiều lần đặt câu hỏi về việc Luật Công chứng đã có hiệu lực đến nay đã gần 1 năm nhưng ở Hà Nội vẫn chưa có một Văn phòng công chứng nào đi vào hoạt động trong khi hồ sơ thành lập các văn phòng đã “đệ trình” từ khá lâu. Thậm chí một công chứng viên đã công khai đòi kiện Sở Tư pháp về sự chậm trễ này. Nguyên nhân do đâu? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Thanh Cao - trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp cho rằng: Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực (1/7/2007), các văn phòng công chứng chưa thể thành lập được ngay vì phải chờ Nghị định hướng dẫn. Tại Nghị định hướng dẫn số 02 ban hành ngày 4/1/2008 đã quy định Sở Tư pháp phải làm Đề án quy hoạch phát triển hành nghề công chứng trình UBNDTP. phê duyệt. Tại Hà Nội, Đề án này đến nay đã trình và đang chờ được thông qua. Ông Cao cũng cho biết, mãi đến tháng 3/2008 Bộ Tư pháp mới phát hành biểu mẫu hồ sơ về việc thành lập các Văn phòng công chứng. Hiện tại, Sở Tư pháp đã nhận được 8 bộ hồ sơ và bước đầu đã có sự thẩm định. Tuy nhiên, vấn đề mắc nhất hiện nay của các Văn phòng công chứng là trụ sở, một số văn phòng đã có trụ sở chính thức, có tên gọi, nhưng có những Văn phòng lại chưa hề có hoặc chưa đủ thủ tục về giấy tờ. Trong 8 Văn phòng thì chỉ có khoảng 4 văn phòng đáp ứng đủ các yêu cầu về trụ sở.

Quan tâm đến vấn đề này, công chứng viên Trần Công Trục nhấn mạnh đến việc quy hoạch các văn phòng công chứng - cụ thể là việc bố trí nơi đặt trụ sở của các văn phòng-  theo ông Trục là không hợp lý. Ông Trục lý giải: văn phòng công chứng có điều kiện mở ở đâu thì nên cho phép họ đặt ở đó, chứ không nên buộc họ phải đặt ở một nơi khác mà họ không có điều kiện hành nghề. Việc quy hoạch như vậy chỉ nên áp dụng cho các Phòng công chứng. Đồng quan điểm với ông Trục, công chứng viên Đào Nguyên Khải  phân tích: cơ quan quản lý cần phải tư duy theo hướng làm sao để văn phòng công chứng phục vụ tốt cho dân. Giả sử có tới 5,6 văn phòng đặt cùng một chỗ thì tất yếu là phải cạnh tranh nhau để thu hút khách. Như vậy thì người dân sẽ được lợi, vì nơi nào phục vụ tốt hơn thì họ sẽ tìm đến.

Cũng về trụ sở, nhiều công chứng viên tỏ rõ sự băn khoăn khi Luật Công chứng chỉ quy định một cách chung chung như có trụ sở riêng, đảm bảo nơi làm việc cho công chứng viên, nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi lưu trữ, để xe…và phải đảm bảo các yêu cầu về phòng tránh cháy nổ, an ninh trật tự. Các công chứng viên đề nghị phải đưa ra các định lượng cụ thể, ví dụ như diện tích là bao nhiêu, trang thiết bị phải đảm bảo như thế nào…Một văn phòng có diện tích hàng trăm mét chả lẽ cũng giống như văn phòng chỉ có hơn chục m2? Về điều này, công chứng viên Ngô Quân Vũ lại cho rằng: có những hợp đồng mà công chứng viên công chứng trị giá hàng chục tỷ đồng, nếu làm sai, anh phải mang cả gia tài ra để bồi thường. Một trụ sở sơ sài, nhếch nhác quá sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng vào văn phòng, như vậy chỉ bất lợi cho anh. Do vậy, dù luật không quy định cụ thể nhưng công chứng viên cần lưu ý vấn đề này để bố trí trụ sở hợp lý.

Liên quan đến các loại giấy tờ chứng minh về trụ sở, một công chứng viên nêu thực trạng là hiện nay không phải nhà nào cho thuê cũng có sổ đỏ, nhưng để chứng minh nhà đó là hợp pháp thì rất khó. Giải pháp mà một văn phòng công chứng đã làm khi trình hồ sơ lên Sở Tư pháp là ra UBND cấp phường xin chứng thực chữ ký. Tuy nhiên, theo công chứng viên Hồng Vân thủ tục này làm ở cấp phường cũng rất khó khăn vì nhiều nơi…sợ trách nhiệm. Về việc này, ông Phạm Thanh Cao quả quyết: phường nào không làm đề nghị các công chứng viên nêu đích danh để Sở Tư pháp có biện pháp giải quyết bởi đây là công việc thuộc thẩm quyền của phường đã được quy định trong Nghị định 79/CP về chứng thực.

Ngoài các vấn đề nêu trên, tại cuộc đối thoại, các công chứng viên cũng đã đưa ra nhiều thắc mắc về chuyện phí và lệ phí, chuyện miễn, giảm thuế, chuyện bảo hiểm nghề nghiệp cho công chứng viên. Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội đã giải đáp những nội dung thuộc thẩm quyền và khẳng định: Sở Tư pháp luôn tạo điều kiện tối đa cho các Văn phòng công chứng sớm được thành lập. Nếu các văn phòng bắt tay ngay vào việc hoàn thiện hồ sơ thì chắc chắn đến hết quý II/2008 những văn phòng đầu tiên sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Tham dự cuộc đối thoại nói trên, ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ hành chính Tư pháp thông tin: hiện nay Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm cho 45 công chứng viên của các văn phòng công chứng (trong đó Hà Nội có 16, TP. Hồ Chí Minh có 20, còn lại của các địa phương khác). Hiện nay hồ sơ đề nghị được bổ nhiệm đang còn khá nhiều tại Bộ nên trước mắt phải tính đến chuyện quy hoạch các văn phòng công chứng sao cho hợp lý để tránh việc cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ông Thất cũng cho biết, từ nay đến 2010, ngành tư pháp sẽ khuyến khích phát triển văn phòng cong chứng ở các vùng phụ cận (như Hưng Yên, Bắc Ninh…). Bộ Tư pháp cũng sẽ có công văn đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển tất cả các hợp đồng , giao dịch thuộc thẩm quyền của UBND về cho tổ chức công chứng. Nếu được như vậy thì Hà Nội phải tính toán xem cần phải có bao nhiêu công chứng viên để đáp ứng nhu cầu nếu không sẽ xảy ra tình trạng ách tắc công việc.

Thu Hằng

Xem thêm »