Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 141/2009/TT-BTC ngày 13/7/2009, quy định chế độ tài chính thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước" (Đề án 165).
Theo Thông tư, đối tượng được gửi đi đào tạo theo Đề án 165 là các cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và cán bộ thuộc diện quy hoạch trước mắt cũng như lâu dài, cán bộ lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn và kể cả cán bộ trẻ mới tốt nghiệp đại học đã công tác một vài năm có triển vọng làm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Chi đào tạo trong nước do các cơ sở đào tạo nước ngoài thực hiện tại Việt Nam gồm các nội dung chi và mức chi sau:
Học phí và các khoản chi phí thực tế phải trả cho cơ sở đào tạo nước ngoài: Thanh toán theo hợp đồng hoặc thông báo của cơ sở đào tạo nước ngoài.
Chi hỗ trợ đối với cán bộ đi học:
- Bậc đào tạo đại học: | 750.000 đồng Việt Nam/1 người/1 tháng; |
- Bậc đào tạo thạc sĩ: | 900.000 đồng Việt Nam/1 người/1 tháng; |
- Bậc đào tạo tiến sĩ: | 1.050.000 đồng Việt Nam/1 người/1 tháng. |
Đối với các trường hợp được đào tạo trong nước do các cơ sở nước ngoài thực hiện, ngoài học phí và các khoản chi phí thực tế phải trả cho cơ sở đào tạo nước ngoài, Nhà nước chi hỗ trợ hàng tháng đối với mỗi cán bộ đi học bậc đại học là 750.000đ, bậc thạc sĩ 900.000đ, bậc tiến sĩ 1.050.000đ. Ngoài ra, cán bộ đi học còn được hỗ trợ tiền tàu xe đi và về từ cơ quan đến nơi học tập...
Đối với các khóa học ngoại ngữ trong nước, Nhà nước cấp kinh phí chi thuê cơ sở đào tạo; mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài; hỗ trợ cán bộ đi học (750.000đ/người/tháng); tiền tàu xe đi và về, hỗ trợ tiền ở cho cán bộ đi học.
Chi đào tạo dài hạn ở nước ngoài gồm: Học phí và các khoản lệ phí bắt buộc; chi phí làm hộ chiếu, visa, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, tiền vé máy bay, lệ phí sân bay (mức khoán là 100 USD), chi phí chuyển và nhận tiền qua ngân hàng, tiền tàu xe đi và về từ cơ quan đến sân bay, nhà ga và các khoản chi khác có liên quan theo quy định của nước sở tại.
Trường hợp cán bộ, lưu học sinh hoàn thành chương trình học tập với kết quả xuất sắc trước thời hạn, sẽ được hưởng 50% số tiền sinh hoạt phí của thời gian hoàn thành trước hạn. Cán bộ, lưu học sinh đạt kết quả xuất sắc được cơ sở đào tạo trong và ngoài nước miễn hoặc giảm học phí, sẽ được nhận 100% số tiền được miễn hoặc giảm này.
Ngoài ra, đối với cán bộ được cử đi học tập trung ngắn hạn ở nước ngoài, nếu dưới 6 tháng, mức chi tối đa theo quy định của Bộ Tài chính, từ trên 6 tháng đến dưới 1 năm thì được hưởng mức sinh hoạt phí như mức chi đào tạo dài hạn ở nước ngoài.
Về chế độ tiền lương trong thời gian đi học: cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị và các đối tượng hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang được tuyển chọn đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài theo Đề án 165 từ 30 ngày liên tục trở lên, trong thời gian học tập ở nước ngoài được hưởng 40% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), do cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ đó chi trả từ nguồn kinh phí của đơn vị mình.
Trong giai đoạn 2009 - 2010, Đề án 165 dự kiến gửi đi đào tạo mỗi năm 30 nghiên cứu sinh, 300 học viên cao học, 200 thực tập sinh, 400 cán bộ học ngoại ngữ, 400 cán bộ bồi dưỡng ngắn hạn.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký./.
N.C