Bắt đầu từ ngày 01/8/2009, Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bình đẳng giới sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, hoặc phạt tiền theo các mức từ 200 nghìn đồng đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Đặc biệt, người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam còn có thể bị trục xuất.
Nghị định cũng quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới và mức phạt tương ứng trong từng lĩnh vực cụ thể:
Trong lĩnh vực chính trị
Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không cho nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới; không thực hiện việc bổ nhiệm nam hoặc nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới... sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Trong lĩnh vực lao động
Hành vi phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc chênh lệch về mức tiền lương, tiền công của những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính... sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Các hành vi như: Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hoặc đối với các nghề nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật; từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ... sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Đối với hành vi vận động, ép buộc người khác nghỉ học vì lý do giới tính sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng; vận động, ép buộc có tổ chức nhiều người nghỉ học vì lý do giới tính; từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ... sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; hành vi quy định tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh khác nhau giữa nam và nữ; hành vi tổ chức giáo dục hướng nghiệp, biên soạn, phổ biến sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao
Hành vi sáng tác, lưu hành, xuất bản hoặc cho phép xuất bản các tác phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới dưới bất kỳ thể loại, hình thức nào; truyền bá tư tưởng, hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; thực hiện quảng cáo về các dịch vụ xã hội, thông báo, nhắn tin, rao vặt có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Trong lĩnh vực y tế
Dùng vũ lực cản trở người khác tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới; xúi giục người khác phá thai vì giới tính của thai nhi sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Trong gia đình
Không chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện như nhau giữa nam và nữ trong gia đình về học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng.
Không cho nam hoặc nữ trong gia đình tham gia công tác xã hội vì định kiến giới sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng….
Thanh tra Lao động – Thương binh và Xã hội, Thanh tra chuyên ngành khác, Chủ tịch UBND các cấp, Công an, Bộ đội biên phòng là những cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.
Nghị định cũng quy định rõ, người có hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, ngoài bị xử phạt hành chính còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.
L.Hằng