Hệ thống pháp luật về môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ

23/06/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Các hành vi vi phạm về môi trường ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên việc xử lý lại chưa tương xứng. Vì sao có thực trạng này, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường.

- Được biết, kể từ khi thành lập (tháng 3/2007) đến nay, Cục Cảnh sát môi trường đã tiến hành điều tra cơ bản trên diện rộng các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ngay sau khi ra mắt ngày 06/3/2007, Cục Cảnh sát môi trường đã chủ động tiến hành phối hợp với các đơn vị chức năng trong ngành và của Bộ Tài nguyên & Môi trường  tổ chức điều tra cơ bản, thu thập tài liệu, nắm tình hình địa bàn, lên danh sách các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cử  các đoàn cán bộ đi điều tra, nắm tình hình các khu vực trọng điểm về ô nhiễm môi trường theo đơn thư tố cáo của nhân dân, hoặc phối hợp với thanh tra của Bộ Tài nguyên & Môi trường tiến hành xử lý các cơ sở vi phạm; phát động phong trào quần chúng ở địa phương giúp đỡ lực lượng Cảnh sát môi trường đấu tranh nhằm phát hiện và xử lý trước pháp luật các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên trái phép; Cục Cảnh sát môi trường cũng đã tham gia vào Đoàn công tác của Chính phủ tiến hành điều tra nguyên nhân sự cố tràn dầu khu vực ven biển miền Trung và miền Nam; lập kế hoạch điều tra cơ bản các cơ quan, doanh nghiệp trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức điều tra cơ bản tình hình ô nhiễm môi trường tại nhà máy bia Việt Hà - Hà Nội; phối hợp Hải quan Hải phòng làm rõ vụ nhập khẩu 15 container ăc qui chì đã qua sử dụng (tạm nhập, tái xuất) báo cáo Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hải Phòng yêu cầu trả về nước đã xuất khẩu; giải quyết tình hình phức tạp môi trường ở khu danh thắng Yên Tử- Quảng Ninh, doanh nghiệp Trường An ở Hà Tĩnh; phối hợp Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường phát hiện xử lý việc bán rác thải y tế chưa qua khử trùng và diệt khuẩn ra ngoài cho tư nhân để tái chế hoặc tận dụng làm đồ dùng sinh hoạt tại bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, báo cáo Thủ tướng Chính Phủ và kiến nghị Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra quy trình xử lý chất thải y tế của các bệnh viện trên địa bàn cả nước....

- Thực tế cho thấy, hiện nay việc xử lý các loại tội phạm về môi trường còn chưa nghiêm vì những bất cập trong các quy định của BLHS hiện hành. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Hiện nay tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang diễn ra phổ biến và phức tạp với thủ đoạn che giấu, đối phó tinh vi ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Nhưng trên thực tế, việc điều tra, truy tố đối với các hành vi này là rất khó khăn, vướng mắc, bởi vì hệ thống pháp luật về môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là BLHS 1999 bộc lộ nhiều bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời, cụ thể:

Chương XVII quy định 10 Điều- Các tội phạm về môi trường thì có 8 Điều (Điều 182, 183, 184, 185, 187, 188, 189, 191) trong cấu thành cơ bản đều quy định tình tiết “ đã bị xử phạt hành chính” là yếu tố bắt buộc để xử lý hình sự (trừ Điều 186 và 191). Trong khi Khoản 1, Điều 11- Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”. Theo đó, nếu sau một năm cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính tiếp tục vi phạm thì vẫn không xử lý hình sự được (vì Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã hết thời hạn). Vì vậy, trong chương này, cấu thành cơ bản không nên quy định tình tiết “ đã bị xử phạt hành chính” là yếu tố bắt buộc để khởi tố vụ án hình sự.

Các Điều 182, 183, 184, 185, 191 còn quy định đã bị xử phạt vi phạm hành chính…mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng mới xử lý hình sự.

Tuy nhiên, hậu quả về môi trường, nhìn chung khó xác định được ngay, có những việc nhiều năm sau mới xác định được. Do đó, trong các Điều nêu trên cần định tính, định lượng mức độ gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể hoá các thông số, các giá trị giới hạn về môi trường để làm căn cứ pháp lý xử lý hình sự. Hoặc phải có Thông tư của cơ quan Tư pháp hướng dẫn mức độ vi phạm về môi trường như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

-Có ý kiến cho rằng, ngoài các điều luật đã quy định tại Chương các tội phạm về môi trường, hiện còn một số điều luật cũng liên quan đến lĩnh vực này đang nằm rải rác ở nhiều chương khác. Có nên thu chúng về một mối không, thưa ông?

Rất nên. Bởi một số tội liên quan đến môi trường, hiện đang được quy định tại các Chương của BLHS, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh về Chương Các tội phạm về môi trường, để thuận lợi cho công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật, bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát môi trường,bao gồm: Tại Chương XVI: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có Điều 157: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Điều 158: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi. Điều 172: Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.Điều 173: Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Điều 174: Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Điều 175: Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Điều 176: Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng. Và tại Chương XIX (về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng) gồm: Điều 227: Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn lao động ở những nơi đông người. Điều 236: Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ. Điều 237: Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ. Điều 242: Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Điều 244: Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

-         Xin cảm ơn ông!

Bình An

* Tính đến nay, 64 tỉnh, thành trong cả nước đã thành lập Phòng Cảnh sát môi trường để thực hiện chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về môi trường.

* 6 tháng đầu năm 2008, Cục Cảnh sát môi trường đã phát hiện 13 vụ -16 đối tượng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường, trong các lĩnh vực: nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải.... trong đó: khởi tố 2 vụ= 2 bị can; chuyển cơ quan chức năng xử lý hành chính 6 vụ= 5 đối tượng, xử phạt 217.500.000 triệu đồng.

Xem thêm »