Việt Nam xem xét gia nhập Quy chế Rome về ICC: Sẵn sàng trước những thách thức

27/06/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tháng 7 này Quy chế Rome sẽ tròn “10 tuổi”. Quy chế này không chỉ thiết lập ra Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) mà còn đưa ra một hệ thống tương tác giữa các quốc gia, xã hội dân sự và tổ chức quốc tế dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là bổ sung và hợp tác. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc Việt Nam xem xét để gia nhập Quy chế Rome có rất thuận lợi nhưng chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn, thách thức.

ICC cần một sự hợp tác

Để ICC thực sự là một thiết chế đặc biệt, độc lập, công bằng và hiệu quả trong việc ngăn ngừa và trừng trị tội phạm quốc tế, các quốc gia thành viên và các tổ chức vận động vì ICC đang cố gắng để tìm kiếm sự hợp tác trên toàn thế giới. Bà Olivia Quittner Swaak-Goldman (Văn phòng Công tố viên – ICC) cho biết, ICC luôn chú trọng tăng cường hợp tác trong quá trình hỗ trợ kỹ thuật và tư pháp nhằm thiết lập chân lý, bảo vệ nhân chứng và đảm bảo các quyền của bị cáo như thực thi nhiệm vụ điều tra khi có yếu cầu của quốc gia; hỗ trợ truy tìm, bao vây, tịch biên tài sản, của cải; hỗ trợ phân tích và hỗ trợ chuyên gia pháp lý…

Bên cạnh đó, ICC cần sự hợp tác về cam kết của mỗi quốc gia thành viên để có thể hỗ trợ ở bất kỳ đầu và bất kỳ khi nào toà quyết định can thiệp hay không can thiệp nhằm giúp cho toà có thể quyết định kết tội, kết án hay tha bổng. Theo bà Olivia, việc chấm dứt miễn trừ đối với các tội phạm nghiêm trọng như đã được đưa ra trong Quy chế Rome cần phải được tôn trọng vì pháp luật không chỉ dành riêng cho các cố vấn pháp lý, công tố viên hay luật sư bào chữa mà cũng áp dụng cho các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự và các nhà đàm phán. Tuy nhiên, để chấm dứt văn hoá miễn trừ và để ICC thực sự là một toà án độc lập cần có sự hợp tác của cộng đồng quốc tế; cần một tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất hơn để thực thi các quyết định của ICC. Tính nhất quán trong cam kết chấm dứt miễn trừ đối với các tội phạm nghiêm trọng cũng là một thách thức đối với các quốc gia gia nhập ICC. Vì thế, các quốc gia và tổ chức quốc tế có liên quan đến quản lý xung đột quốc tế cần phải tôn trọng và thúc đẩy tốt hơn khuôn khổ mới, góp phần tạo ra sự khác biệt cho hoà bình và cho nạn nhân, phá vỡ hệ thống tội phạm.

Sự hỗ trợ của các toà án từ phía các quốc gia thành viên (và quốc gia không thành viên nếu như họ muốn) có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như hỗ trợ về chính trị; hỗ trợ cô lập những người đang bị toà án tìm kiếm để tiến hành bắt giữ; truy tìm nơi ở của những cá nhân bị toà án tìm kiếm; lên kế hoạch và tiến hành hoạt động bắt giữ.

Việt Nam gia nhập ICC: nhiều thách thức

Xem xét để gia nhập Quy chế ICC là vấn đề đang được Việt Nam quan tâm. Để đạt được kết quả phù hợp, Việt Nam phải trải qua một quá trình không dễ dàng. Theo đánh giá của bà Lê Đức Hạnh (Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Ngoại giao), những khó khăn, thách thức mà Việt Nam gặp phải trong quá trình xem xét gia nhập Quy chế Rome xuất phát từ chính nội tại và từ phía ICC và môi trường quốc tế.

Thách thức quan trọng nhất trong quá trình Việt Nam xem xét gia nhập Quy chế Rome phải kể đến theo bà Hạnh là việc hiểu đúng Quy chế Rome và xây dựng được năng lực để áp dụng Quy chế này. Quy chế Rome là một văn kiện pháp lý phức tạp, vừa thành lập nên một toà án quốc tế, vừa có những qui định về tố tụng hình sự và hình sự để ICC có thể tiến hành xét xử các tội phạm chiến tranh, diệt chủng và chống lại loài người từng diễn ra ở quốc gia thành viên. Theo qui định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam, nước ta phải nghiên cứu Quy chế này hết sức thận trọng để đánh giá được các tác động và đưa ra được các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành các VBQPPL trước khi đề xuất gia nhập.

Về phía mình, Việt Nam luôn khẳng định ủng hộ một ICC độc lập, công bằng và hiệu quả. Nhưng chính việc chứng minh tính độc lập, công bằng và hiệu quả của ICC cũng chính là một thách thức từ phía ICC đối với Việt Nam trong quá trình xem xét gia nhập Quy chế Rome. Nếu gia nhập Quy chế Rome, Việt Nam phải làm thế nào để khẳng định được tính độc lập của ICC trong quan hệ với Hội đồng Bảo an, đặc biệt là trong khi ICC thực hiện quyền tài phán liên quan tới tội xâm lược (định nghĩa về tội xâm lược đang được soạn thảo để sửa đổi, bổ sung vào Quy chế Rome vào năm 2009); làm thế nào để hợp tác với các nước thành viên trên cơ sở không chịu ảnh hưởng của động cơ chính trị vì ICC không có bộ máy điều tra, xét xử và không có quyền lực lãnh thổ. Việc điều tra của ICC phụ thuộc phần lớn vào sự hợp tác của các quốc gia liên quan. Sự hợp tác này mang tính chính trị sâu sắc vì các quốc gia chỉ hợp tác khi việc thực hiện quyền tài phán của ICC phù hợp với lợi ích quốc gia nên đây cũng là một thách thức lớn. Cuối cùng, khi gia nhập Quy chế Rome, Việt Nam phải làm thế nào để bảo vệ tính toàn vẹn của Quy chế.

Tuy vậy, Việt Nam cũng có không ít thuận lợi khi gia nhập Quy chế Rome. Bà Hạnh cho rằng, việc gia nhập Quy chế sẽ thể hiện cam kết của Việt Nam ngăn ngừa và trừng trị tội phạm quốc tế, giúp Việt Nam tự bảo vệ mình và nhân dân mình chống lại các tội phạm quốc tế và đảm bảo công lý cho nạn nhân; cơ chế đa phương như ICC bảo vệ đa số các quốc gia không phải là cường quốc trước ảnh hưởng song phương trong quá trình thực hiện quyền tài phán; tham gia ICC sẽ góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam chủ động, tích cực trong bảo vệ hoà bình thế giới khi tham gia ICC là một xu thế chung của các quốc gia. Hơn nữa, Việt Nam đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc gia nhập ICC và có sẵn các cơ chế và văn bản pháp luật cần thiết cho việc thực hiện Quy chế Rome, đặc biệt là Luật Tương trợ Tư pháp – cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp và các yêu cầu hợp tác của ICC./.

Huy Long

Xem thêm »