Dự thảo Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý: Áp dụng cho những đối tượng nào?

25/06/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người thực hiện TGPL. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có những quy tắc cho loại nghề nghiệp rất đặc thù này để những người thực hiện TGPL có thể soi mình vào đó. Một vị lãnh đạo Sở Tư pháp từng nói rằng, việc chưa ban hành quy tắc nghề nghiệp TGPL là chưa làm tốt công tác quản lý trong khi Luật và Nghị định hướng dẫn đã giao cho Bộ.

Cơ sở pháp lý của dự thảo Quy tắc là khoản 2 Điều 46 Luật TGPL và điểm b khoản 1 Điều 44 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ. Theo các điều khoản này, Bộ Tư pháp có trách nhiệm ban hành Quy tắc nghề nghiệp TGPL. Điều 4 Luật TGPL còn quy định “tuân thủ quy tắc nghề nghiệp TGPL” là một nguyên tắc hoạt động TGPL. Bà Tạ Thị Minh Lý - Cục trưởng Cục TGPL cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, Cục đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước và tham khảo quy tắc nghề nghiệp của một số ngành nghề mà nước ta đã ban hành như luật sư, bác sỹ, kiểm toán... Qua đấy, có thể thấy, TGPL là một nghề có nhiều điểm tương đồng với nghề luật sư nhưng có ít nhất 2 điểm khác cơ bản là chủ thể thực hiện TGPL rộng hơn (bao gồm cả cán bộ Nhà nước và đội ngũ cộng tác viên, luật sư, tư vấn viên pháp luật tham gia TGPL) và chủ thể cung ứng dịch vụ TGPL đa dạng hơn (không chỉ của nhà nước - Trung tâm TGPL, Chi nhánh của Trung tâm... mà còn của xã hội – các văn phòng luật sư, công ty luật, trung tâm tư vấn pháp luật...). Ngoài ra, TGPL có đặc thù là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí hoàn toàn cho các đối tượng cũng đặc thù gồm người có công, trẻ em, người già không nơi nương tựa... Vì vậy, bà Lý nhấn mạnh, khi cung cấp dịch vụ cho những đối tượng đặc thù này thì người thực hiện TGPL phải tuân thủ quy tắc nghề nghiệp và khi đã tuân thủ quy tắc nghề nghiệp thì sẽ trở thành tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.

Theo đại diện Cục TGPL, quy tắc nghề nghiệp TGPL có thể sẽ được áp dụng cho tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL trong mối quan hệ với người được TGPL, với vụ việc TGPL, với các đồng nghiệp và với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác. Đối với tổ chức thực hiện TGPL, dự kiến có các quy tắc như thiết lập cơ chế thông tin về tổ chức và hoạt động TGPL; bảo đảm có đủ khả năng và nguồn lực đáp ứng kịp thời nhu cầu TGPL của người được TGPL với chất lượng tốt nhất; tạo lập được môi trường làm việc phù hợp với đặc điểm, tính chất của đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi tối đa cho người được TGPL dễ dàng tiếp cận; thiết lập cơ chế giám sát quá trình thực hiện TGPL và kiểm tra, đánh giá được chất lượng vụ việc TGPL của người thực hiện TGPL; thiết lập cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội, các cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia TGPL hoặc có hỗ trợ, đóng góp cho hoạt động này... Còn các quy tắc dự kiến đối với người thực hiện bao gồm thận trọng, trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, tuân thủ pháp luật; không phân biệt đối xử với người được TGPL; có tinh thần trách nhiệm, coi công việc của người được TGPL như công việc của chính mình, bảo đảm việc TGPL được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đúng pháp luật; có hướng dẫn phù hợp để từ chối những đòi hỏi vượt quá quy định của pháp luật hoặc không thích đáng của người được TGPL, không lợi dụng người được TGPL, vụ việc TGPL để mưu lợi cá nhân; giữ gìn uy tín của tổ chức thực hiện TGPL, đoàn kết, tôn trọng có tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp, không nói xấu, tranh công, hạ thấp hoặc làm mất uy tín của đồng nghiệp...

 Tại cuộc toạ đàm về quy tắc nghề nghiệp TGPL do Cục tổ chức mới đây, một số đại biểu cho rằng, hệ thống các quy tắc nghề nghiệp phải được áp dụng cho cả tổ chức thực hiện (Trung tâm TGPL nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm và các tổ chức tham gia TGPL thuộc các tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức hành nghề luật sư) lẫn người thực hiện TGPL (trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh, luật sư và tư vấn viên tham gia TGPL). Song lại có nhiều ý kiến đồng tình phương án áp dụng đối với người thực hiện TGPL vì đã là quy tắc nghề nghiệp thì chỉ áp dụng cho cá nhân, còn tổ chức phải tuân theo quy định của Luật.

Bên cạnh đó, có không ít đại biểu nêu câu hỏi, trợ giúp viên pháp lý là người thường xuyên thực hiện TGPL còn các đối tượng như cộng tác viên, luật sư, tư vấn viên là những người không thực hiện TGPL thường xuyên, không coi TGPL là kế sinh nhai thì liệu có thể áp quy tắc nghề này cho họ không hay ngoài việc tuân thủ quy tắc nghề nghiệp TGPL, luật sư tham gia TGPL có phải tuân theo đạo đức nghề nghiệp đặc thù của mình nữa không?... Về vấn đề trên, một số ý kiến khẳng định, đã vào “sân” của TGPL là buộc phải chấp nhận quy tắc nghề nghiệp TGPL. Hơn nữa, trong Quy chế cộng tác viên mới ban hành, tinh thần tự nguyện được đề cao nên không có lý do gì để các cộng tác viên có thể từ chối được quy tắc nghề nghiệp TGPL.

Hoàng Thư

Xem thêm »