Nghị định của Chính phủ về trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề

26/08/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21/8/2009 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề. Nghị định này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính Phủ (gọi tắt là Bộ), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là UBND cấp tỉnh), Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi là UBND cấp huyện), Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi là UBND cấp xã).

Nguyên tắc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề là đảm bảo tính thống nhất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề; Phân cấp quản lý nhà nước về dạy nghề phải đảm bảo tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, nguồn lực tài chính, nhân sự và các điều kiện cần thiết để thực hiện được các nhiệm vụ được giao; Xác định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ, của UBND các cấp đối với lĩnh vực dạy nghề, đồng thời bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý dạy nghề các cấp trong việc quyết định và thực hiện nhiệm vụ được phân công, phân cấp.

Các Bộ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước quy định tại Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ; đồng thời, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về dạy nghề. Các Bộ có cơ sở dạy nghề trực thuộc có trách nhiệm:

- Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm, hàng năm về dạy nghề của Bộ mình phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dạy nghề quốc gia;

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trình độ trung cấp nghề cho từng nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ;

- Quyết định thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề công lập trực thuộc theo quy định của pháp luật về dạy nghề và văn bản hướng dẫn của Bộ LĐTBXH;

- Quyết định phê duyệt Điều lệ trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH;

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, hội nghề nghiệp có liên quan tổ chức xây dựng và  ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho từng nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ sau khi có văn bản thoả thuận của Bộ LĐTBXH;

- Quyết định công nhận xếp hạng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức đối với Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, Giám đốc trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc theo quy định của Bộ LĐTBXH;

- Tổ chức hội giảng giáo viên dạy nghề, hội thi thiết bị tự làm, hội thi học sinh giỏi nghề cấp Bộ.

- Thực hiện quản lý các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc về tổ chức, biên chế, nhân sự, tài chính, tài sản và cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật; bảo đảm các điều kiện giảng dạy, học tập và các hoạt động khác của các cơ sở dạy nghề trực thuộc;

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc thực hiện các quy định pháp luật về dạy nghề;

- Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức hoạt động dạy nghề của Bộ và báo cáo định kỳ về dạy nghề với Bộ LĐTBXH;

- Thực hiện hợp tác quốc tế về dạy nghề theo thẩm quyền;

- Thực hiện công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ về dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các cơ sở dạy nghề trực thuộc theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và của UBND cấp tỉnh, huyện, xã.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2009.

Đức Trung

Xem thêm »