Xây dựng Pháp lệnh Công an xã: Gánh đỡ cùng những người “quyền rơm, vạ đá”

08/07/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong 9 năm (từ 1999 đến 2007) có 41 Công an xã hy sinh thì chỉ có 19 người được công nhận liệt sỹ. Cũng trong thời gian này, trong số 350 Công an xã bị thương trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở thì chỉ có 55 người được công nhận là thương binh.

BỘ CÔNG AN MUỐN XIN THÊM 1 BIÊN CHẾ PHÓ TRƯỞNG CÔNG AN XÃ

Có thể kể tới hàng loạt những nhiệm vụ mà lực lượng Công an xã, hoặc phải trực tiếp đảm nhiệm, hoặc phải tham mưu, phối hợp với các lực lực khác thực hiện tại địa phương như: xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tự nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự cơ sở. Bên cạnh đó, Công an xã là lực lượng chủ yếu làm nòng cốt giúp UBND xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên địa bàn xã, thị trấn. Những công việc cụ thể mà hàng ngày lực lượng Công an xã phải thực hiện dễ được nhân dân ghi nhận nhất có thể kể đến là việc đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ tại địa phương; phòng cháy, chữa cháy và giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn xã; quản lý, giáo dục đối tượng; giáo dục, cảm hóa những người vi phạm pháp luật ở cơ sở….

Khi thực hiện Nghị định số 40/1999/NĐ-CP năm 1999 của Chính phủ về Công an xã, việc thực hiện chính sách đối với Trưởng, Phó Công an xã được các địa phương vận dụng theo đúng quy định của Chính phủ. Từ cuối năm 2003, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2003/NĐ-CP và Nghị định 121/2003/NĐ-CP xác định Phó trưởng Công an xã và Công an viên là cán bộ không chuyên trách thì các địa phương vận dụng chi trả phụ cấp khác nhau. Trưởng Công an xã vẫn được hưởng chế độ, chính sách của công chức theo quy định của Chính phủ. Riêng đối với Phó trưởng Công an xã, trong số 11.013 người, có 2.987 người được bố trí kiêm nhiệm và được hưởng chế độ, chính sách của công chức, còn 8.026 người hưởng chế độ, chính sách cán bộ không chuyên trách từ nguồn ngân sách của địa phương và không được đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó, các địa phương chi trả phụ cấp cho Phó Trưởng Công an xã cũng không thống nhất, địa phương trả phụ cấp cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh với 947 nghìn đồng/tháng và thấp nhất là Bắc Kạn với 110 nghìn đồng/tháng. Đối với Công an viên, địa phương trả phụ cấp cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh với 900 nghìn đồng/tháng. Các địa phương khác trả mức thấp hơn nhiều, phổ biến là 100 – 200 nghìn và có 3 địa phương là Cao Bằng, Bắc  Kạn, Hà Tĩnh chỉ trả phụ cấp 80 nghìn đồng/tháng. “Từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2003/NĐ-CP và Nghị định số 121/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở, có 2.663 Phó trưởng Công an xã và Công an viên đã bỏ việc và xin thôi việc vì phụ cấp thấp, các chính sách không được thực hiện đầy đủ. Bộ Công an đã hai lần báo cáo và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng sửa đổi, bổ sung Nghị định 121 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” – Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Bộ Công an bức xúc.  Bởi vậy, lần này, Bộ Công an rất cương quyết trong việc xin thêm một biên chế Phó trưởng Công an xã và đề nghị quy định cụ thể mức phụ cấp hàng tháng đối với Công an viên. Điều 10, dự thảo Pháp lệnh quy định: “Tổ chức Công an xã gồm Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên. Chính phủ quy định số lượng Phó trưởng Công an xã ở các xã thuộc địa bàn trọng yếu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội” và “Trưởng, Phó trưởng Công an xã do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Trưởng Công an cấp huyện”. Từ đó, Điều 18 dự thảo Pháp lệnh quy định: “Trưởng, Phó trưởng Công an xã được hưởng lương, phụ cấp và chế độ ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ. Công an viên được hưởng phụ cấp hàng tháng với mức không thấp hơn mức lương tối thiểu chung. Mức phụ cấp cho Công an xã do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định từ  ngân sách địa phương theo Nghị quyết của HĐND cùng cấp

QUỐC HỘI LO NGÀNH NGÀNH XIN THÊM BIÊN CHẾ

Cả nước hiện có trên 1,1 vạn xã, nếu mỗi xã chỉ cần bổ sung thêm một biên chế Phó Trưởng Công an xã thì đã có thêm trên 1 vạn biên chế của lực lượng này hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ quan điểm: “Ngành nào cũng muốn có thêm nhiều chân rết, mong muốn đó tất nhiên là đúng, nhưng cả nước có trên 1,1 vạn xã, phường, thôn, bản, ngân sách nhà nước chi ra sẽ vô cùng lớn. Nếu ngành Công an xin thêm được biên chế Phó trưởng Công an xã và Pháp lệnh này cho Công an xã có trụ sở riêng, con dấu riêng thì Xã đội và các lực lượng khác cũng đề nghị được mở ra như thế, lúc đó Chính phủ tính sao?”. Nhiều ý kiến của Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, mà đã là bán chuyên trách thì không thể biên chế, bởi vậy, dự thảo quy định “Phó trưởng Công an xã được hưởng lương, phụ cấp và chế độ ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ” là chưa phù hợp. Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “ Sau khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức, cán bộ xã của lực lượng nào cũng muốn có lương, chế độ bảo hiểm, trụ sở riêng trong khi ngân sách thì có hạn. Cái này phải tính sao cho hợp lý”.

Dự án Pháp lệnh Công an xã đang được Ủy ban thường vụ Quốc hội cân nhắc và dự kiến sẽ sớm thông qua trong năm nay. Tuy lực lượng Công an xã được hình thành từ những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhưng đây là lần đầu tiên, việc xây dựng một Pháp lệnh về lực lượng này được đề cập tới. Hiện tại, những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của lực lượng Công an xã cơ bản được điều chỉnh  bằng Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23/6/1999 của Chính phủ về Công an xã.

La Thành

Xem thêm »