Vi phạm trong lĩnh vực báo chí: Truy cứu trách nhiệm hình sự là giải pháp cuối cùng

04/08/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đưa bản thảo lần thứ 12 Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) ra lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Theo dự thảo lần này: Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm trả lời trên báo chí”. Ngược lại, Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Dự thảo Luật cũng quy định rõ, đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội  nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác do Chính phủ quy định được thành lập cơ quan báo chí.Cơ quan báo chí tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Về vấn đề xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, Điều 48 dự thảo Luật quy định, Cơ quan báo chí, tổ chức tham gia hoạt động báo chí vi phạm quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền và có thể bị áp dụng biện pháp thu hồi, tịch thu ấn phẩm, băng đĩa ghi âm, ghi hình, đình bản tạm thời hoặc tước quyền sử dụng giấy phép trong hoạt động báo chí. Người đứng đầu cơ quan báo chí, nhà báo, người tham gia hoạt động nghiệp vụ báo chí khác, người tham gia hoạt động báo chí có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí vi phạm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thì ngoài việc bị xử lý theo quy định nêu trên còn phải công khai xin lỗi, cải chính trên báo chí, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Hồng Thuý

Xem thêm »