Quy định niên hạn sử dụng cho xe ô tô chở hàng và chở người theo Nghị định số 95/2009/NĐ-CP: Tiếp tục tuyên chiến với những “quan tài bay”

04/11/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Cụ thể hóa Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 95/2009/NĐ-CP quy định về niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và ô tô chở người. Nghị định này được xem như một bước tiếp tục của Nghị định số 23/2004/NĐ-CP với chung một mục tiêu: khai tử những chiếc xe quá đát hay còn gọi “quan tài bay” gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an toàn giao thông đường bộ.

Theo Nghị định số 95, niên hạn sử dụng của xe ô tô chở hàng được phép trong thời gian không quá 25 năm, xe ô tô chở người không quá 20 năm kể từ năm sản xuất xe và không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 01/01/2002. Theo luật định, niên hạn sử dụng của xe ô tô sẽ được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, niên hạn sẽ sử dụng được tính từ năm đăng ký xe ô tô lần đầu.

Trước khi Nghị định số 23/2004/NĐ-CP về quy định niên hạn sử dụng ô tô tải và ô tô chở người ra đời có rất nhiều xe đã sử dụng gần 30 năm vẫn được đưa vào kinh doanh vận tải. Thậm chí, có cả những xe từ trước giải phóng như Zin 130, IFA, xe bò ma, hoặc xe được hoán cải từ xe tải IFA cũng được các chủ xe tận dụng khai thác triệt để. Đời xe quá cũ nên phụ tùng để thay thế toàn theo kiểu chắp vá dẫn đến tình trạng xe gây tai nạn hàng loạt. Và, đó cũng là nguyên nhân khiến năm 2004 Bộ GTVT quyết định trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về niên hạn xe khách, xe chở người, mà sau đó chính là Nghị định số 23. Sau một thời gian thực hiện có lộ trình, Nghị định số 23 đã khai tử hàng chục nghìn “quan tài bay” và cũng tạo đà cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước và liên doanh xuất xưởng mấy chục nghìn xe khách và hàng trăm nghìn xe tải...

Vì lần đầu tiên đưa luật hóa việc quy định niên hạn sử dụng xe nên Nghị định số 23 đã đưa ra lộ trình rất chi tiết như sau 01 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, ngừng hoạt động đối với ô tải có thời gian sử dụng trên 29 năm hoặc không đủ căn cứ xác định năm sản xuất; sau 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, ngừng hoạt động đối với ô tô tải có thời gian sử dụng trên 27 năm.... Nhìn chung, lộ trình này đã được ngành giao thông vận tải và các tổ chức, cá nhân có xe chấp hành khá nghiêm túc nên khi thay thế Nghị định số 23, Nghị định số 95 không quy định về vấn đề lộ trình nữa. Tuy nhiên theo kết quả nhiều đợt kiểm tra liên ngành Đăng kiểm, Công an cho thấy vẫn còn rất nhiều xe quá đát lén lút hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa. Vì thế, Nghị định số 95 đã tiếp tục giao trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô tham gia giao thông là bên cạnh việc thực hiện niên hạn sử dụng được luật định, thì phải có kế hoạch đổi mới phương tiện. Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước hữu quan như các Bộ, UBND cấp tỉnh cũng phải tăng cường trách nhiệm tổ chức chỉ đạo hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm theo các quy định của pháp luật hiện hành. Ngày 20/12/2009 Nghị định số 95 sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Xuân Hoa

Nghị định số 95 áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô tham gia giao thông trên đường bộ, trừ: Xe ô tô của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; Xe ô tô chở người đến 09 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái); Xe ô tô chuyên dùng (xe ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt), rơ moóc, sơ mi rơ moóc.

Xem thêm »