Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 106/2009/NĐ-CP ngày 16/11/2009 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các đơn vị vũ trang nhân dân. Nghị định bao gồm 06 Chương với 52 Điều quy định những nội dung chủ yếu sau:
1. Quy định chung
Nghị định 106 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (gọi chung là các đơn vị vũ trang nhân dân), trừ trường hợp việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã thực hiện giao vốn cho doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Tài sản nhà nước tại các đơn vị vũ trang nhân dân là những tài sản nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gồm: tài sản đặc biệt; tài sản chuyên dùng; tài sản phục vụ công tác quản lý; danh mục cụ thể tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Nghị định cũng quy định về nguồn hình thành tài sản nhà nước thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân, quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong việc quản lý nhà nước về tài sản nhà nước thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân.
2. Quản lý, sử dụng tài sản đặc biệt tại đơn vị vũ trang nhân dân.
Nghị định quy định cụ thể các nội dung như: đầu tư xây dựng công trình chiến đấu, công trình nghiệp vụ an ninh; mua bán, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản đặc biệt; lập hồ sơ, quản lý, lưu trữ tài sản hồ sơ đặc biệt….
Nghị định quy định rõ thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng tài sản đặc biệt tại đơn vị vũ trang nhân dân: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc mua sắm tài sản, trừ trường hợp đối với tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư tập trung, nguồn ngân sách đặc biệt cho quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc quản lý, sử dụng tài sản đặc biệt; quy định hệ thống sổ, mẫu biểu theo dõi tài sản đặc biệt, quyết định phân cấp thẩm quyền quyết định thu hồi đối với tài sản đặc biệt trừ trường hợp đối với công trình chiến đấu, công trình nghiệp vụ an ninh gắn liền với đất (bao gồm cả quyền sử dụng đất) sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thu hồi đất.
3. Quản lý, sử dụng tài sản chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân.
Theo đó, thẩm quyền quy định về quản lý, sử dụng tài sản chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân có thể là Thủ tướng Chính phủ hoặc là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tùy từng trường hợp cụ thể.
4. Quản lý, sử dụng tài sản phục vụ công tác quản lý tại đơn vị vũ trang nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thu hồi đối với tài sản phục vụ công tác quản lý thuộc phạm vi quản lý. Thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản phục vụ công tác quản lý có thể là Thủ tướng Chính phủ hoặc là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tùy từng trường hợp cụ thể quy định tại Điều 31 của Nghị định 106. Nghị định cũng quy định cả việc bán; quản lý và sử dụng tiền thu được từ việc bán, thanh lý; tiêu hủy tài sản phục vụ công tác quản lý tại đơn vị vũ trang nhân dân.
5. Sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân.
Đối với tài sản đặc biệt, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức rà soát, sắp xếp lại, xử lý để đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản đúng mục đích, biên chế tài sản, hiệu quả, tiết kiệm. Đối với tài sản chuyên dùng và tài sản phục vụ công tác quản lý sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản là nhà, tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả quyền sử dụng đất) trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010.
Linh Tâm