Ứng dụng công nghệ thông tin bằng vốn nhà nước: Phải chịu sự giám sát của cộng đồng

10/11/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2010

Điều 9 quy định, đối với dự án ứng dụng CNTT sử dụng NSNN, chủ đầu tư có trách nhiệm công bố công khai mục đích, nội dung các hoạt động, quy mô dự án; cơ cấu tổ chức của Ban quản lý (BQL) dự án hoặc tổ chức tư vấn quản lý dự án với các tổ chức chính trị, xã hội, chính quyền địa phương và các cơ quan dân cử trên địa bàn để tranh thủ sự giám sát của cộng đồng trong quá trình thực hiện. Các dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN phải chịu sự giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ. Cụ thể, trong quá trình triển khai dự án, BQL dự án hoặc tổ chức tư vấn quản lý dự án phải lập và gửi cho chủ đầu tư, để chủ đầu tư dự án gửi cơ quan chủ quản, và các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có liên quan các báo cáo gồm Báo cáo tháng, chậm nhất 10 ngày sau khi hết tháng (chỉ áp dụng đối với dự án ứng dụng CNTT thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ); Báo cáo sáu tháng, chậm nhất vào ngày 15/7 của năm kế hoạch; Báo cáo năm, chậm nhất vào ngày 31/1 năm sau; Báo cáo kết thúc, chậm nhất 6 tháng sau khi kết thúc dự án.

Ngoài ra, nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CNTT, đảm bảo đầu tư đạt hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch ứng dụng CNTT của ngành, địa phương và đối với từng dự án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư ứng dụng CNTT. Theo đó, BQL dự án hoặc tổ chức tư vấn quản lý dự án có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xác định mức độ đạt được so với yêu cầu của quá trình đầu tư. Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ BQL dự án hoặc tổ chức tư vấn quản lý dự án trong việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá đối với từng dự án. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý; phản hồi đầy đủ và kịp thời các báo cáo của chủ đầu tư dự án; xem xét kết quả đánh giá đầu tư các dự án do chủ đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quản lý tiến hành… Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc giám sát, đánh giá năng lực quản lý thực hiện các dự án ứng dụng CNTT tại cơ quan chủ quản và giám sát, đánh giá đầu tư ở cấp quốc gia về các dự án ứng dụng CNTT, giám sát việc tuân thủ chế độ báo cáo ở các cấp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư ứng dụng CNTT…

Cũng theo Nghị định số 102, bên cạnh việc phải đảm bảo các điều kiện năng lực khi hoạt động kinh doanh, các tổ chức hoạt động tư vấn đầu tư ứng dụng CNTT còn bị nghiêm cấm chỉ định sử dụng các loại vật liệu hay vật tư kỹ thuật, thiết bị của một nơi sản xuất, cung ứng cụ thể, và không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ của nhà sản xuất trong các sản phẩm tư vấn. Trường hợp đặc biệt cần thiết phải nêu nhãn hiệu, catalô của một nhà sản xuất nào đó, hoặc vật tư kỹ thuật, thiết bị từ một nước nào đó để tham khảo, minh họa cho yêu cầu kỹ thuật của các loại vật liệu hay vật tư kỹ thuật, thiết bị thì phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô hoặc xuất xứ nêu ra và quy định rõ khái niệm tương đương nghĩa là có đặc tính kỹ thuật tương tự, có tính năng sử dụng tương đương.

Thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, Nghị định số 102 yêu cầu, thông tin về sản phẩm của dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN phải được cập nhật vào vào cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ hoạt động quản lý đầu tư ứng dụng CNTT nhằm tránh trùng lặp, lãng phí cho NSNN. Việc cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia được tiến hành như sau: Sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư cập nhật thông tin về thiết kế sơ bộ và tổng mức đầu tư của dự án qua đầu mối là đơn vị đơn vị chuyên môn về CNTT trực thuộc người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo phân cấp ủy quyền; Khi sản phẩm của dự án được nghiệm thu, bàn giao, chủ đầu tư cập nhật toàn bộ thông tin hồ sơ liên quan qua đầu mối là đơn vị chuyên môn về CNTT trực thuộc người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo phân cấp ủy quyền.

Nghị định số 102 cũng quy định về việc đăng tải công khai các thông tin trên Trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đó là thông tin trong hồ sơ dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN để hỗ trợ cho công tác quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT, đặc biệt đối với các dự án phát triển, hoặc nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm; và các thông tin về năng lực quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT để các phương tiện thông tin đại chúng khác có thể trích đăng, tạo thuận tiện cho việc tiếp cận của các tổ chức, cá nhân quan tâm (bao gồm thông tin đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT; thông tin về các cơ sở đủ điều kiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT; thông tin về các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT; thông tin xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT; văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư, ứng dụng CNTT hiện hành cùng các thông tin liên quan khác). Việc xác định các thông tin được cung cấp công khai trong từng thời kỳ và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như việc cung cấp thông tin, thời hạn và lộ trình đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cẩm Vân

Xem thêm »