Một số vấn đề nổi cộm, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ từ kết quả thanh tra chuyên ngành về tổ chức và hoạt động luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh

30/09/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thực hiện Quyết định thanh tra số 140/QĐ-TTR ngày 20/6/2008 của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật tại thành phố Hồ Chí Minh và Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, từ ngày 01/7/2008 đến 13/8/2008, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh và 74 tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư và trung tâm tư vấn pháp luật, gồm: 45 văn phòng luật sư, 4 chi nhánh văn phòng luật sư, 18 công ty luật, 10 chi nhánh công ty luật và 02 trung tâm tư vấn pháp luật và tiến hành kiểm tra, xác minh trực tiếp các nội dung thanh tra.

Xét Báo cáo cáo kết quả thanh tra ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Đoàn thanh tra, Chánh thanh tra đã kết luận thanh tra như sau:

I. VỀ SỐ LƯỢNG CÁC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ, TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

          - Theo báo cáo của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm thanh tra, số lượng các tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:

+ Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam:  626 tổ chức, 155 chi nhánh của các tổ chức hành nghề luật sư và 16 văn phòng giao dịch;

+ Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài: 37 tổ chức;

          + Số lượng các trung tâm tư vấn pháp luật: 12 Trung tâm.

+ Số lượng tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động:  05 (đều là tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và lý do bị thu hồi là Trưởng Văn phòng luật sư chết).

II. KẾT QUẢ THANH TRA

1. Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

          1.1. Công tác triển khai thi hành Luật Luật sư

          Để triển khai Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, Sở Tư pháp đã thực hiện các công việc sau đây:

- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị về tổ chức thi hành Luật Luật sư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 25/2007/CT-UBND ngày 20/9/2007 của UBND TP.Hồ Chí Minh)

- Tiến hành rà soát và chuẩn hoá các thủ tục, quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư (theo Quyết định 308/QĐ-STP-BTTP ngày 09/7/2007 về việc ban hành Quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và biểu mẫu liên quan đến hành nghề luật sư trong nước, nước ngoài tại Sở Tư pháp TP.HCM);

- Xây dựng kế hoạch phối hợp quản lý và kiểm tra đối với hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh gửi các Uỷ ban nhân dân quận, huyện; 

- Đôn đốc các tổ chức hành nghề luật sư chuyển đổi hình thức hoạt động theo quy định của Luật Luật sư;

- Hướng dẫn chế độ báo cáo theo quy định của Luật Luật sư gửi các tổ chức hành nghề luật sư;

- Báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Luật sư với Bộ Tư pháp;

- Phối hợp kiểm tra các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố sau khi cấp Giấy đăng ký hoạt động.

          1.2. Chế độ  báo cáo

- Đối với tổ chức hành nghề luật sư: Trong năm 2007, có 322/707 tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và 19/32 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi báo cáo về tổ chức, hoạt động cho Sở Tư pháp. Nhìn chung, nội dung báo cáo của các Tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tư pháp. Tuy nhiên, số lượng các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện việc báo cáo chưa cao.

- Đối với Sở Tư pháp: thực hiện quy định tại điểm e khoản 2 Điều 25 của Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư, Sở Tư pháp đã thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho Bộ Tư pháp và UBND Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.

          1.3. Việc tham mưu, đề xuất cho Uỷ ban nhân dân TP.HCM các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư tại địa phương

Nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp lý phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương tạo điều kiện để luật sư tham gia Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010” được Thủ tướng phê duyệt và Chương trình đào tạo 500 Thạc sỹ- Tiến sỹ của Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.

          1.4. Việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư

Ngoài hoạt động thanh tra, kiểm tra của Sở Tư pháp theo thẩm quyền, Uỷ ban nhân dân quận, huyện cũng trực tiếp thực hiện và phối hợp với Sở Tư pháp  thực hiện kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo kế hoạch của Sở Tư pháp. Từ đầu năm 2008 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với 9/24 Phòng Tư pháp thực hiện kiểm tra 81 tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh trong quản lý về luật sư và hành nghề luật sư

          - Việc nắm thông tin của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh về số lượng các luật sư thành viên, các tổ chức hành nghề luật sư thuộc phạm vi giám sát của Đoàn luật sư còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác. Cụ thể là: tại buổi làm việc ngày 01/7/2008 giữa Đoàn Thanh tra với Sở Tư pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, bà Trần Mỹ Thoa đại diện Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 430 tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư, nhưng theo báo cáo của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có 810 tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư được cấp Giấy đăng ký hoạt động).

  - Theo Quyết định thanh tra số 140/QĐ-TTR, Kế hoạch thanh tra và Công văn số 141/BTP-ĐTT ngày 20/6/2008 của Đoàn thanh tra đã được gửi trước cho Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh thì Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh được yêu cầu chuẩn bị báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện vai trò tự quản và sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý luật sư, hành nghề luật sư đối với các luật sư thành viên của mình theo quy định tại Mục 1, Chương V và Điều 84 của Luật Luật sư và theo quy định của Điều lệ Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cho đến nay, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có báo cáo bằng văn bản theo yêu cầu của Đoàn thanh tra. Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm khoản 2, Điều 35, Nghị định số 76/2008/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 76/2006/NĐ-CP) và khoản 3, Điều 7, Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

3. Tình hình hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật

          3.1. Ưu điểm

- Nhiều tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật hoạt động đúng theo nội dung đăng ký được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động, đa số tổ chức hành nghề luật sư chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật về luật sư, tư vấn pháp luật và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

- Hoạt động của đa số tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật đã có đóng góp tích cực trong việc nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác, phục vụ  tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, trong đó có những tổ chức hành nghề luật sư thực hiện nhiều vụ việc tư vấn pháp luật và bào chữa miễn phí cho các đối tượng chính sách.

          - Thông qua việc cung cấp dịch vụ lý, các tổ chức hành nghề luật sư giúp các cá nhân, tổ chức hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số tổ chức hành nghề luật sư đã thực sự phát huy được thế mạnh và từng bước khẳng định năng lực của mình trong các lĩnh vực tư vấn về đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp là các lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam như Công ty luật trách nhiệm hữu hạn quốc tế Việt Na.  Các công ty luật và chi nhánh công ty luật nước ngoài đang hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh như Công ty luật Mayer Brown JSM Việt Nam, Chi nhánh Gide Loyrette Nouel A.A.R.P.I đều nghiêm túc chấp hành pháp luật Việt Nam, có phương pháp làm việc khoa học và có doanh thu khá lớn, thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ, minh bạch.

          3.2. Các vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra

          Bên cạnh một số ưu điểm nổi bật như đã trình bày trên mục I, căn cứ vào các quy định của Luật Luật sư, Nghị định số 76/2006/NĐ-CP  và các văn bản pháp luật có liên quan khác, Đoàn thanh tra phát hiện những vi phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

          3.2.1. Đối với tổ chức hành nghề luật sư

a. Những vi phạm pháp luật về trụ sở, biển hiệu, đăng báo, chế độ báo cáo, thông báo của các tổ chức hành nghề luật sư

- Sử dụng trụ sở không đúng địa chỉ được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động. Đây là trường hợp của Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính, cụ thể như sau: trong Giấy Đăng ký hoạt động số 41.03.0086 do Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 20/7/2007, địa chỉ trụ sở của Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính được ghi là: số 6/19, Cách Mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh nhưng thực tế Công ty này chưa bao giờ hoạt động tại trụ sở nêu trên mà lại hoạt động tại: số 8, Nam Kỳ, Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù sử dụng trụ sở không đúng địa chỉ được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động trong một thời gian khá dài nhưng Luật Luật sư và Nghị định 76/2006/NĐ-CP không có quy định cụ thể nào về vấn đề này nên Đoàn thanh tra không có cơ sở pháp luật để xử lý.

- Không có biển hiệu: Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính không có biển hiệu tại trụ sở ghi trên Giấy đăng ký hoạt động; Công ty luật trách nhiệm hữu hạn nhưng lại sử dụng biểu hiệu là Văn phòng luật sư, việc sử dụng biển hiệu như vậy dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng về chế độ trách nhiệm của tổ chức hành nghề luật sư

Hai hành vi nêu trên vi phạm nghiêm trọng Điều 30 của Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ và điểm c, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP.

- Không ghi tên đầy đủ theo tên đã đăng ký và được Sở Tư pháp ghi trong Giấy đăng ký hoạt động mà chỉ ghi tên giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư trên biển hiệu. Đây là vi phạm phổ biến của nhiều tổ chức hành nghề luật sư, nhất là đối với các tổ chức đặt trụ sở tại các toà nhà cao tầng; Là chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nhưng lại sử dụng biển hiệu là tên của tổ chức hành nghề luật sư.

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn việc thông báo cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động về việc mở chi nhánh ở ngoài địa phương sau khi chi nhánh được cấp giấy đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Hành vi này vi phạm điểm b, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP và đoạn 2, khoản 2, Điều 41 của Luật luật sư, cụ thể như sau:

+ Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn quốc tế Việt Nam (VILAF-HỒNG ĐỨC): Chi nhánh của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn quốc tế Việt Nam tại Hà Nội được Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cấp Giấy đăng ký hoạt động lần 2 ngày 12 tháng 9 năm 2007, nhưng đến thời điểm Đoàn thanh tra đến làm việc, Công ty này vẫn chưa thực hiện thông báo cho Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh về việc mở Chi nhánh tại Hà Nội chỉ sau khi Đoàn thanh tra lập biên bản vi phạm, Công ty mới có văn bản thông báo cho Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh.

+ Văn phòng luật sư Phùng Anh Tuấn & Đồng sự: Chi nhánh của Văn phòng luật sư Phùng Anh Tuấn & Đồng sự được Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cấp Giấy đăng ký hoạt động ngày 08/4/2008, nhưng đến ngày 08/7/2008 (thời điểm Đoàn thanh tra đã phát hành Quyết định thanh tra và Công văn thông báo nội dung, lịch thanh tra đến Văn phòng), Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh mới nhận được văn bản thông báo về việc thành lập chi nhánh của Văn phòng tại Hà Nội.

- Không thông báo cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động và làm thủ tục yêu cầu Sở Tư pháp cấp lại giấy đăng ký hoạt động khi thay đổi địa chỉ trụ sở. Hành vi này vi phạm khoản 1, Điều 36 của Luật Luật sư và điểm e, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, sau khi được thanh tra các tổ chức hành nghề luật sư nói trên đã khắc phục ngay và làm thủ tục đăng ký nội dung thay đổi Giấy đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp.

- Không thông báo cho Đoàn luật sư địa phương nơi đăng ký hoạt động theo quy định khi thay đổi nội dung đăng ký hoạt động - vi phạm khoản 4, Điều 35 và khoản 1, Điều 36 của Luật Luật sư và điểm e, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP. Đây cũng là vi phạm khá phổ biến của các tổ chức hành nghề luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng sau khi được thanh tra các tổ chức hành nghề luật sư nói trên đã khắc phục ngay và làm thủ tục thông báo cho Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

- Không thông báo cho Đoàn Luật sư địa phương nơi đăng ký hoạt động theo quy định khi thành lập - hành vi này đã vi phạm khoản 4, Điều 35 của Luật luật sư và là vi phạm khá phổ biến của các tổ chức hành nghề luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Không thông báo cho Đoàn luật sư nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động và/hoặc Đoàn luật sư nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh. Hành vi này vi phạm khoản 2, Điều 41 của Luật Luật sư.

- Một số tổ chức hành nghề luật sư đã không đăng báo  theo quy định tại Điều 38 của Luật Luật sư. Một số tổ chức hành nghề luật sư có đăng báo khi thành lập (đăng bố cáo thành lập văn phòng) nhưng không đúng về số lượng hoặc không đúng thời hạn theo quy định tại khoản 1, Điều 38, Luật Luật sư và điểm d, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, xét thấy đây là những vi phạm vô ý nên Đoàn thanh tra nhắc nhở, rút kinh nghiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật; Nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã không đăng báo khi thay đổi nội dung đăng ký hoạt động hoặc có đăng báo nhưng không đúng về số lượng và thời hạn như theo quy định tại khoản 2, Điều 38 Luật Luật sư.

- Hành vi để người khác (không phải là thành viên, không ký hợp đồng lao động và không có văn bản uỷ quyền) tiến hành ký kết các hợp đồng dịch vụ pháp lý nhân danh tổ chức hành nghề luật sư của mình. Hành vi này vi phạm khoản 1, Điều 33 của Luật Luật sư. Đoàn thanh tra đã yêu cầu chấm dứt, khắc phục ngay hành vi vi phạm và rút kinh nghiệm, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

b. Những vi phạm quy định trong hoạt động hành nghề của luật sư

- Hợp đồng dịch vụ pháp lý không được làm bằng văn bản - vi phạm Điều 26 của Luật Luật sư: đây là vi phạm phổ biến của các tổ chức hành nghề luật sư, điển hình trong số đó các tổ chức hành nghề luật sư có những vi phạm như trên là Văn phòng luật sư Trương Thị Hoà không có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản khi thực hiện 4444 vụ việc.

Tại Văn phòng luật sư Sài Gòn do Luật sư Nguyễn Đăng Trừng - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng Văn phòng, Đoàn thanh tra phát hiện có 07 đơn nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi. Theo Luật sư Nguyễn Đăng Trừng thì từ 01/01/2007 đến thời điểm Đoàn thanh tra làm việc (ngày 24/7/2008), Văn phòng có tổng số 07 vụ tranh tụng, hợp đồng dịch vụ pháp lý của các vụ việc đó được làm dưới hình thức đơn nhờ luật sư và kèm theo hoá đơn tài chính xuất cho khách hàng. Theo luật sư Nguyễn Đăng Trừng thì 07 Đơn  nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi là hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhưng trong 07 “Hợp đồng” đó lại không ghi mức thù lao đã thoả thuận với khách hàng. Theo đó, hành vi của luật sư Nguyễn Đăng Trừng vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 21 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP quy định xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng và điểm d, khoản 3, Điều 21 của Nghị định này quy định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 1 năm đối với hành vi không ghi rõ mức thù lao đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 26 của Luật Luật sư, Đoàn thanh tra cho rằng: mặc dù theo luật sư Nguyễn Đăng Trừng, 07 Đơn  nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi là hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhưng thực tế 07 Đơn này chỉ có 1 bên là khách hàng, không có sự giao kết, thoả thuận của luật sư Nguyễn Đăng Trừng, không có những nội dung chính theo quy định tại khoản 2, Điều 26 của Luật Luật sư như: thời hạn thực hiện hợp đồng, phương thức tính và mức thù lao cụ thể, các khoản chi phí (nếu có), trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp. Do đó, 07 Đơn nhờ Luật sư bảo vệ quyền lợi nêu trên không phải là hợp đồng dịch vụ pháp lý theo quy định tại Điều 26 của Luật Luật sư. Đây là hành vi vi phạm Điều 26 của Luật Luật sư (thực hiện dịch vụ pháp lý mà không có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản).

Việc cung cấp dịch vụ pháp lý không có hợp đồng bằng văn bản là hành vi cố ý vi phạm pháp luật. Luật sư là người hành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, do đó phải có hiểu biết pháp luật và trước hết phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Hành vi này thể hiện sự cố ý vi phạm và thể hiện sự thiếu minh bạch trong giao dịch với khách hàng, thiếu minh bạch trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế vì khi xảy ra tranh chấp với khách hàng sẽ không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Mặt khác, không có hợp đồng dịch vụ pháp lý thì không thể công khai mức thù lao thoả thuận với khách hàng và không đủ cơ sở để xác định nghĩa vụ thuế, vì không có hợp đồng, không có sự công khai thoả thuận, ràng buộc mức thù lao với khách hàng thì có thể luật sư sẽ tuỳ tiện lập phiếu thu, xuất hoá đơn hoặc không xuất hoá đơn, cơ quan thuế sẽ rất khó xác định thu nhập của luật sư để thu thuế. Thực tế, Đoàn thanh tra chuyên ngành chưa có đủ lực lượng, khả năng chuyên môn về thuế để làm rõ việc chấp hành pháp luật về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của các tổ chức hành nghề luật sư có vi phạm nêu trên. Đoàn thanh tra nhận thấy, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải tổ chức thanh tra liên ngành với sự tham gia của Thanh tra thuế, Công an để thanh tra đối với tất cả các tổ chức hành nghề luật sư có hành vi vi phạm là cung cấp dịch vụ pháp lý mà không có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản theo quy định của Điều 26 của Luật Luật sư.

- Không ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý về mức thù lao đã thoả thuận với khách hàng theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 26 của Luật Luật sư và vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 21, Nghị định số 76/2006/NĐ-CP, theo đó, hành vi này bị xử phạt từ tiền 3 đến 5 triệu đồng. Đồng thời, theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 21 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP thì luật sư thực hiện hành vi vi phạm này có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 1 năm đối với hành vi không ghi rõ mức thù lao đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý: Luật sư Trần Mỹ Thoa - Trưởng Văn phòng luật sư Trần Mỹ Thoa (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) có vi phạm nghiêm trọng và mang tính hệ thống. Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, nghiêm khắc cảnh cáo và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi này. Tuy nhiên, do thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này đã hết nên không ra quyết định xử phạt.

- Không kê khai sổ sách kế toán và làm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước: Văn phòng luật sư Trương Công Bình do Luật sư Trương Công Bình làm Trưởng văn phòng được cấp Giấy đăng ký hoạt động từ năm 2002 nhưng cho đến thời điểm Đoàn thanh tra tiến hành làm việc tại Văn phòng vẫn chưa kê khai sổ sách, kế toán và chưa đóng thuế cho Nhà nước (kể cả thuế môn bài).

- Luật sư Lê Trần Luật (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận) - Trưởng Văn phòng và cũng là Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư pháp quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh đã không xuất trình được bản chính Thẻ luật sư và báo cáo với Đoàn thanh tra là Thẻ luật sư do Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận cấp 20/4/2002 đã bị mất tháng 4/2007, tháng 6/2007 đã làm đơn xin cấp lại thẻ nhưng vẫn chưa được cấp lại. Luật sư Lê Trần Luật đã có văn bản cam kết không cho mượn Thẻ luật sư và Thẻ luật sư cũng không bị tạm thu, tạm giữ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn thanh tra chưa có điều kiện xác minh, làm rõ, ngày 12/9/2008, Đoàn thanh tra đã có văn bản yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận cung cấp thông tin về trường hợp này.

- Có dấu hiệu trốn tránh làm việc với Đoàn thanh tra như: viện lý do vắng mặt, lấy lý do chưa nhận được công văn (Công ty luật trách nhiệm hữu hạn Hồng Lạc tại thành phố Hồ Chí Minh), hạ biển hiệu và báo tạm ngừng hoạt động vào đúng ngày Đoàn thanh tra đến làm việc (Chi nhánh Văn phòng luật sư Tùng Thư tại thành phố Hồ Chí Minh); một số tổ chức hành nghề luật sư còn không có văn bản báo cáo và không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra.

Ngoài hai nhóm vi phạm chính như trên, hợp đồng thuê trụ sở của một số tổ chức hành nghề luật sư đã hết hạn nhưng chưa gia hạn hợp đồng, đối với những trường hợp này Đoàn thanh tra đã nhắc nhở các tổ chức hành nghề luật sư tiến hành tiếp tục ký kết gia hạn hợp đồng để tránh các tranh chấp có thể phát sinh. Một số tổ chức hành nghề luật sư còn thực hiện tốt chế độ báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đoàn thanh tra đã nhắc nhở và yêu cầu các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời đối với Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư. Hầu hết các tổ chức hành nghề luật sư chưa mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư. Đây là vấn đề còn nhiều vướng mắc, khó khăn của các tổ chức hành nghề luật sư vì không đủ khả năng mua hoặc muốn mua nhưng các công ty kinh doanh bảo hiểm chưa bán bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư.

          3.2.2. Đối với các Trung tâm tư vấn pháp luật

          Trong quá trình Đoàn thanh tra đang tiến hành thanh tra tại thành phố Hồ Chí Minh thì Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật hết hiệu lực thi hành và được thay thế bằng Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ quy định về tư vấn pháp luật, theo đó chức năng thanh tra về tổ chức và hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật được giao cho các Sở Tư pháp, nên Đoàn thanh tra chỉ mới tiến hành thanh tra 02 trung tâm tư vấn pháp luật tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả thanh tra như sau:

- Việc đăng ký và quản lý hoạt động của các Trung tâm: qua kiểm tra cho thấy, Trung tâm thông tin tư vấn pháp luật Tân Việt thuộc Trung ương Hội luật gia Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, Trung tâm chỉ có 02 tư vấn viên pháp luật. Trong khi đó, theo quy định tại điểm a, Điều 4 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP thì phải có ít nhất 03 tư vấn viên pháp luật mới được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật.

- Về trụ sở làm việc: hai Trung tâm tư vấn pháp luật được thanh tra đều có trụ sở hoạt động thuận lợi cho người đến nhờ tư vấn và đều được treo biển hiệu đầy đủ, rõ ràng.

- Về lĩnh vực hoạt động: Các Trung tâm tư vấn pháp luật đều hoạt động đúng lĩnh vực được ghi trong giấy đăng ký hoạt động.

III. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

1. Nhận xét

1.1. Ưu điểm

          Hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã có vai trò tích cực trong việc nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh thương mại. Trong quá trình hoạt động, nhiều tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý thức chấp hành các quy định của Luật Luật sư và các quy định có liên quan khác của pháp luật. Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước về luật sư, tư vấn pháp luật, đặc biệt, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư tại địa phương. Bên cạnh đó, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện được một số công việc đóng góp cho sự phát triển, uy tín và vị thế của đội ngũ luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

1.2.  Vi phạm pháp luật và nguyên nhân vi phạm

1.2.1. Vi phạm pháp luật

          Mặc dù có những ưu điểm như trên, kết quả thanh tra như trên cho thấy công tác quản lý nhà nước về luật sư, tư vấn pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh còn một số tồn tại; Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh còn có hiện tượng buông lỏng quản lý đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư; Một phần không nhỏ các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật Việt Nam còn có những vi phạm pháp luật, thậm chí là nhiều vi phạm khá nghiêm trọng cần được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, cụ thể là: qua thanh tra 70 tổ chức hành nghề Luật sư, tư vấn pháp luật Việt Nam thì có 45 tổ chức  vi phạm pháp luật (43 tổ chức hành nghề luật sư và 02 Trung tâm tư vấn pháp luật) chiếm tỷ lệ 64%. Đặc biệt, 18 tổ chức hành nghề luật sư vi phạm khá nghiêm trọng về nội dung hoạt động (chiếm 26.5% tổng số tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam). Trong khi đó, 04/04 tổ chức và chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh được thanh tra đều chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật.

1.2.2. Nguyên nhân vi phạm

          Sở dĩ nhiều tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh có vi phạm như trên là do những nguyên nhân chủ quan và khách quan sau đây:

          a. Nguyên nhân khách quan

          - Lần đầu tiên tại Việt Nam, Luật Luật sư được ban hành và có hiệu lực 01/01/2007 còn có những quy định tính khả thi chưa cao; việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai thi hành các quy định của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa thực sự hiệu quả.

          - Nghị định số 76/2006/NĐ-CP còn có nhiều bất cập, nhiều hành vi vi phạm Luật Luật sư và các văn bản pháp luật có liên quan khác nhưng không có chế tài xử lý cho nên không đủ sức răn dẫn đến việc một bộ phận các tổ chức hành nghề luật sư thiếu tôn trọng phạm luật.

          b. Nguyên nhân chủ quan

          - Cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương chưa thực sự sâu sát, chưa thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức hành nghề luật sư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thái độ chủ quan, thiếu tôn trọng pháp luật của một bộ phận các tổ chức hành nghề luật sư.

- Nhận thức chưa đúng của Ban chủ nhiệm cũng như của một số luật sư thành viên về ý nghĩa và nội dung các quy định của Luật Luật sư và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

- Việc kết hợp giữa quản lý nhà nước của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh với vai trò tự quản của Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn có những vướng mắc về mặt nhận thức và chưa có cơ chế phù hợp.

- Một số người cho rằng hành nghề luật sư hành nghề tự do, hoạt động độc lập thì không quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát và không muốn chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

2. Kết luận

          Từ kết quả thanh tra, trên cơ sở những nhận xét, đánh giá về những ưu điểm và tồn tại, thiếu sót, vi phạm cũng như nguyên nhân dẫn đến vi phạm, kết luận như sau:

2.1. Về công tác quản lý nhà nước

          Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về luật sư, tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về luật sư, tư vấn pháp luật tại thành phố Hồ Chí Minh còn có một số hạn chế, thiếu sót sau:

          - Do số lượng tổ chức hành nghề luật sư tại Thành phố Hồ Chí Minh lớn nên việc theo dõi và cập nhật thông tin về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, có những trường hợp còn chưa kịp thời, chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác.

          - Việc kết hợp giữa công tác quản lý nhà nước về luật sư, hành nghề luật sư và vai trò tự quản của Đoàn luật sư tại địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả.

2.2. Về trách nhiệm quản lý của Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh

          Mặc dù đã thực hiện được một số công việc đóng góp cho sự phát triển, uy tín và vị thế của đội ngũ luật sư thành phố Hồ Chí Minh, về cơ bản vai trò tự quản của Đoàn Luật sư thành phố còn có những tồn tại và vi phạm như sau:

- Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh có hiện tượng buông lỏng quản lý đối với thành viên của mình. Chưa thực hiện tốt trách nhiệm giám sát các tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức hành nghề luật sư có hành vi vi phạm pháp luật về luật sư;

- Một số thành viên Ban chủ nhiệm của Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh có hành vi vi phạm pháp luật về tổ chức và hành nghề luật sư (thanh tra 4/8 tổ chức hành nghề luật sư của thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư thì cả 4/8 tổ chức đều có hành vi vi phạm pháp luật).

- Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh không chấp hành yêu cầu của Đoàn thanh tra (không có báo cáo bằng văn bản theo yêu cầu tại Công văn số 141/BTP-ĐTT V/v công bố Quyết định thanh tra, ngày 20 tháng 6 năm 2008 của Đoàn Thanh tra);

2.3. Về việc tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật

          Nhiều tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý thức tuân thủ các quy định của Luật Luật sư và các quy định có liên quan khác của pháp luật. Tuy nhiên, 45 tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật còn có vi phạm pháp luật, cụ thể:

          - 25 tổ chức hành nghề luật sư (Danh sách 1 kèm theo) có hành vi vi phạm pháp luật về trụ sở, biển hiệu, đăng báo, chế độ báo cáo, thông báo của các tổ chức hành nghề luật sư;

          - 18 tổ chức hành nghề luật sư (Danh sách 2 kèm theo) có hành vi vi phạm với tính chất khá nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong hoạt động hành nghề của luật sư do thiếu minh bạch trong việc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước và có các hành vi vi phạm khác;

          - 02 Trung tâm tư vấn pháp luật (Danh sách 3 kèm theo) có hành vi vi phạm trong việc sử dụng cộng tác viên và tư vấn viên pháp luật.

IV. KIẾN NGHỊ CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ

1. Đối với Bộ Tư pháp: Chánh Thanh tra kiến nghị như sau:

          - Mặc dù số lượng các hành vi vi phạm pháp luật về luật sư được phát hiện qua thanh tra là khá nhiều nhưng chỉ một số ít các hành vi có thể bị xử lý theo quy định của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP. Nhiều hành vi phạm Luật Luật sư nhưng không được quy định trong Nghị định số 76/2006/NĐ-CP hoặc có quy định nhưng lại bất hợp lý, không rõ ràng. Do đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Mục 6, Nghị định 76/2006/NĐ-CP như sau:

          Thứ nhất, quy định bổ sung các hành vi vi phạm Luật Luật sư nhưng Nghị định số 76/2006/NĐ-CP còn chưa có hình thức xử phạt:

          + Hành vi thực hiện dịch vụ pháp lý mà không có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản;

          + Sử dụng trụ sở không đúng địa chỉ được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động;

          + Không thông báo cho Đoàn Luật sư nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động và/hoặc Đoàn Luật sư nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh;

          + Không thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư nơi đăng ký hoạt động về địa chỉ văn phòng giao dịch;

+ Cung cấp dịch vụ pháp lý tại văn phòng giao dịch;

+ Không đăng báo theo quy định khi thay đổi nội dung đăng ký hoạt động;

+ Không thực hiện báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

          + Hành vi vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

          Thứ hai, sửa đổi điểm e, khoản 1, Điều 22 của Nghị định 76/2006/NĐ-CP để phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 36 của Luật Luật sư.

          Thứ ba, sửa đổi điểm d, khoản 1, Điều 22 của Nghị định 76/2006/NĐ-CP vì quy định không rõ ràng.

          - Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra công tác tư pháp, đặc biệt là kiểm tra, thanh tra hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư cho địa phương.

          - Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc.

2. Đối với Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp

          Tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo việc giải quyết kịp thời đối các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình quản lý và đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.

3. Đối với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh: Chánh Thanh tra kiến nghị như sau:

          Chỉ đạo Cục thuế và Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra về thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của 18 tổ chức hành nghề luật sư (Danh sách 2 kèm theo) có hành vi vi phạm với tính chất khá nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong hoạt động hành nghề của luật sư do thiếu minh bạch trong việc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước và thông báo kết quả thanh tra về Bộ Tư pháp.

4. Đối với Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh

          - Tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc, kiểm tra việc khắc phục các hành vi vi phạm và thông báo kết quả về Thanh tra Bộ Tư pháp trước ngày 30/11/2008 đối với 18 tổ chức hành nghề luật sư (Danh sách 2 kèm theo) có hành vi vi phạm với tính chất khá nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong hoạt động hành nghề của luật sư do thiếu minh bạch trong việc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.

          - Thực hiện việc nhắc nhở, rút kinh nghiệm và tổ chức kiểm tra việc khắc phục các vi phạm và thông báo kết quả về Thanh tra Bộ Tư pháp trước ngày 30/11/2008 đối với 25 tổ chức hành nghề luật sư (Danh sách 1 kèm theo) có hành vi vi phạm pháp luật về trụ sở, biển hiệu, đăng báo, chế độ báo cáo, thông báo của các tổ chức hành nghề luật sư và 02 Trung tâm tư vấn pháp luật (Danh sách 3 kèm theo) có hành vi vi phạm trong việc sử dụng cộng tác viên và tư vấn viên pháp luật.

          - Tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật theo thẩm quyền.

          - Tăng cường sự phối hợp giữa công tác quản lý nhà nước của Sở Tư pháp và vai trò tự quản của Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh tiến tới xây dựng Quy chế phối hợp quản lý luật sư và hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

          - Bổ sung nhân sự cho bộ phận trực tiếp chuyên trách về luật sư, tư vấn pháp luật để kịp thời nắm bắt và cập nhật thường xuyên các thông tin về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Đối với Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh

          - Tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp theo quy định của Điều lệ của Đoàn luật sư đối với Chủ nhiệm và các thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về trách nhiệm quản lý, điều hành của Ban chủ nhiệm đối với Đoàn luật sư và thông báo kết quả về Thanh tra Bộ Tư pháp trước ngày 30/11/2008.

          - Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của luật sư, theo quy định tại Điều 85 của Luật Luật sư tiến hành xem xét việc xử lý kỷ luật đối với những luật sư là Trưởng Văn phòng, Giám đốc Công ty luật có hành vi vi phạm với tính chất khá nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong hoạt động hành nghề của luật sư, có biểu hiện vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư (Danh sách 2 kèm theo).

          - Tổ chức kiểm điểm, nhắc nhở rút kinh nghiệm đối với những luật sư là Trưởng Văn phòng, Giám đốc Công ty luật có hành vi vi phạm pháp luật về trụ sở, biển hiệu, đăng báo, chế độ báo cáo, thông báo của các tổ chức hành nghề luật sư (Danh sách 1 kèm theo).

          - Củng cố, kiện toàn Ban chủ nhiệm của Đoàn luật sư, tăng thêm số lượng thành viên Ban chủ nhiệm nhằm đáp ứng được khối lượng công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành Đoàn Luật sư; nhân sự để bầu vào các chức danh nêu trên phải là những luật sư có lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng; trung thành với Tổ quốc; có kiến thức, năng lực và kinh nghiệm tham gia các quyết định của Ban chủ nhiệm; có năng lực và trình độ chuyên môn, uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; có đạo đức tốt, gương mẫu, trung thực, đoàn kết và quy tụ được đội ngũ luật sư trong Đoàn luật sư;

- Tăng cường công tác giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư thành viên, giám sát các tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương; yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

- Tăng cường tuyên truyền về hoạt động nghề nghiệp của luật sư trong xã hội.

Xem thêm »