Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

15/12/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chính phủ vừa có Nghị định số 111/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Theo đó, mức phạt cao nhất 100 triệu đồng dành cho hành vi vận chuyển vật liệu hạt nhân quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Vận chuyển vật liệu hạt nhân trái phép sẽ bị phạt 100 triệu đồng

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong 2 hình thức chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng thêm hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật...

Tổ chức, cá nhân không khai báo hoặc khai báo không đầy đủ về phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ hoặc nguồn phóng xạ đã qua sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tới 7 triệu đồng. Mức 35 triệu đồng dành cho hành vi không có giấy phép mà vận chuyển nguồn phóng xạ, xử lý, chôn cất phóng xạ đã qua sử dụng…

Nghị định quy định rõ mức phạt đến 10 triệu đồng cho bên gửi hàng khi không đóng gói vật liệu phóng xạ trong các kiện hàng phóng xạ theo quy chuẩn hoặc không thông báo yêu cầu về an toàn, an ninh của kiện hàng cho bên vận chuyển hàng. Bên vận chuyển cũng bị phạt tới 7 triệu đồng khi từ chối vận chuyển vật liệu phóng xạ khi đã được đóng gói an toàn.

Để đảm bảo an toàn, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân gửi chất thải phóng xạ qua đường bưu điện hoặc để rơi vãi vật liệu phóng xạ trong quá trình vận chuyển, nếu vi phạm sẽ bị phạt tới 70 triệu đồng.

Đối với tổ chức, cá nhân, cơ sở hạt nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ mà không có chỉ dẫn an toàn, an ninh, cảnh báo bức xạ gắn tại nơi quy định; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên bức xạ theo quy định… bị phạt đến 10 triệu đồng.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện thấy nguồn phóng xạ, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, rơi vãi mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 24h kể từ khi phát hiện sẽ bị phạt tới 8 triệu đồng. Cơ quan có thẩm quyền mà không áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để thu hồi nguồn phóng xạ sẽ bị phạt tối đa 25 triệu đồng.

Mức phạt cao nhất 100 triệu đồng dành cho hành vi vận chuyển vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng quá cảnh lãnh thổ Việt Nam hoặc vận hành tàu biển, phương tiện có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nếu tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử làm rơi vãi, thất lạc thiết bị, vật liệu hạt nhân cũng bị phạt tiền 100 triệu đồng. Mức phạt cao nhất này cũng áp dụng khi tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra và hành vi xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2010 và thay thế cho quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ trước đây (Nghị định số 51/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ).

Cẩm Vân

Xem thêm »