Cần có chế tài xử lý vấn đề mượn giấy khai sinh

19/10/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Khai sinh là một trong các giấy tờ cần thiết thông dụng của người dân khi tham gia vào các giao dịch dân sự, quan hệ xã hội, quan hệ với các cơ quan hành chính nhà nước. Đây là loại giấy tờ có nội dung đầy đủ nhất thông tin của một cá nhân và được xem là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân từ khi sinh ra. Các giấy tờ tuỳ thân khác như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, học bạ, văn bằng, chứng chỉ… đều phải tuân thủ các nội dung trong giấy khai sinh nếu có nội dung liên quan.

Từ sự tương quan giữa tình trạng nhân thân của một người với giấy khai sinh của họ cho thấy tính chất quan trọng của giấy khai sinh khi được đăng ký hợp pháp và tất nhiên, giấy khai sinh của cá nhân nào sẽ sử dụng cho cá nhân đó mà không thể vay mượn sử dụng với nhiều mục đích khác nhau sẽ dẫn đến các hệ quả pháp lý tiêu cực sau này. 

Điển hình, năm 1991 Võ Thị Ngọc Trinh được UBND xã T.T đăng ký khai sinh với nội dung sinh năm 1991, cha tên Võ Văn Đăng, mẹ tên Nguyễn Thị Xuân Nhưng do mong muốn được đi học sớm nên Trinh qua nhà hàng xóm mượn bản sao giấy khai sinh của Phạm Thị Mỹ Linh sinh năm 1990, cha tên Phạm Phong Lâm, mẹ tên Phạm Thị Kim làm thủ tục nhập học. Sổ hộ khẩu gia đình, chứng minh nhân dân vẫn mang tên Võ Thị Ngọc Trinh sinh năm 1991 nhưng học bạ các năm học, văn bằng, chứng chỉ lại mang tên Phạm Thị Mỹ Linh sinh năm 1990 và tên người cha, mẹ cũng sai sót theo giấy khai sinh của Mỹ Linh. Đến năm 2008, khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp thì phát hiện ra sai sót khi Ngọc Trinh nộp hộ khẩu làm hồ sơ thi. Sự việc rắc rối xảy ra cho cán bộ hộ tịch huyện phải tìm hướng giải quyết cho vấn đề mượn giấy khai sinh đi học trong khi chưa đủ tuổi đi học. Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu Võ Thị Ngọc Trinh phải liên hệ UBND huyện cải chính năm sinh của mình để đủ điều kiện dự thi nếu không Ngọc Trinh có nguy cơ cấm thi.

Trước đây, Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch không quy định hình thức xử lý trường hợp này như thế nào cũng như phương án giải quyết trường hợp trên. Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch cũng không quy định trách nhiệm của UBND các cấp giải quyết như thế nào khi một cá nhân mượn giấy khai sinh của người khác thực hiện các mục đích của mình. Nghị định 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp cũng không quy định chế tài trong những trường hợp sử dụng giấy khai sinh của người khác.

Thiết nghĩ, sử dụng các giấy tờ hộ tịch nói chung và giấy khai sinh nói riêng không phải của chính mình là một hành vi vi phạm pháp luật gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý hành chính nói chung và quản lý hộ tịch nói riêng gây ra nhiều sai lệch, nhầm lẫn về tình trạng nhân thân của một người. Do đó pháp luật cần có biện pháp chế tài xử lý hành chính đối với trường hợp trên nhằm cải thiện nhận thức của người dân trong các quan hệ hành chính sau này./.

Thanh Xuân

Xem thêm »