Phân biệt thẩm quyền giải quyết của Tòa án và UBND trong lĩnh vực tranh chấp đất đai

29/10/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp chiếm tỷ lệ cao trong các vụ việc dân sự cần được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hiện có rất nhiều văn bản pháp luật chi phối việc giải quyết tranh chấp đất đai và thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi người dân có yêu cầu.

Trong thực tiễn xét xử của các Tòa án cũng như giải quyết tranh chấp của UBND các cấp, thường rơi vào một trong các dạng tranh chấp cơ bản: Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất hợp pháp; Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất do người khác đang sử dụng (đây là dạng tranh chấp không có giao dịch); Tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất như chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, cầm cố, thế chấp; Tranh chấp phát sinh từ các quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất.

Như vậy, có rất nhiều dạng tranh chấp liên quan quyền sử dụng đất. Cần phải xác định cụ thể thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành để hướng dẫn, bảo đảm quyền khởi kiện hay khiếu nại của người dân theo đúng quy định. Cụ thể, việc xác định thẩm quyền của Tòa án đối với các tranh chấp về quyền sử dụng đất căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 là cơ sở để xác định tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay UBND:

Tranh chấp liên quan quyền sử dụng đất, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất. Theo quy định này, chỉ cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 thì tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. 

Các tranh chấp về việc chuyển quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Nhưng đối với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, nếu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án không giải quyết.

Các tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm: Các tài sản là nhà ở, vật kiến trúc khác như nhà bếp, nhà tắm, giếng nước, nhà để ôtô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình trên đất được giao hoặc cho thuê để sản xuất kinh doanh (nhà ở, kho tàng, hệ thống tưới tiêu, chuồng trại chăn nuôi) hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây lâu năm... gắn với việc sử dụng đất.

Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai thì thuộc thẩm quyền của UBND giải quyết.

Cần lưu ý, trường hợp Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết; quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng. Hoặc, nếu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.

Nguyễn Thanh Xuân

Xem thêm »