Dự thảo Nghị định về vật liệu nổ công nghiệp: Chỉ giao cho doanh nghiệp nhà nước

28/10/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trước thực trạng công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) còn nhiều bất cập, đặc biệt ở khâu cấp giấy phép hoạt động VLNCN, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng Nghị định về vật liệu nổ công nghiệp. Dự thảo Nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.

Một giấy phép nhiều cơ quan cấp

VLNCN đang được sử dụng rộng rãi trong các ngành kinh tế, đặc biệt là trong xây dựng và khai thác khoảng sản. Con số thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm toàn quốc tiêu thụ khoảng trên 50 nghìn tấn VLNCN. Đồng thời, số lượng các tổ chức sử dụng VLNCN ngày một nhiều với đủ các loại hình kinh tế, đa dạng về quy mô và có mặt hầu hết trên toàn quốc.

            Kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng VLNCN tại một số địa bàn tỉnh, thành phố kết quả cho thấy còn một số bất cập trong công tác này, có nguyên nhân từ sự thiếu vắng các chế định pháp luật. Đơn cử,  những sai phạm mà các đơn vị có hoạt động liên quan đến VLNCN hay mắc phải là công tác cung ứng, thống kê, xuất nhập và bảo vệ phòng chống thất thoát VLNCN. Nhìn chung, tình trạng thất thoát VLNCN hay xảy ra ở khâu sử dụng hơn là ở trong kho chứa, bởi phần lớn các đơn vị chưa tạo thành quy trình kiểm soát chặt chẽ, thiếu biên bản nghiệm thu lỗ khoan, thiếu biên bản ghi số lượng thuốc nổ nạp thực tế...Vì thế, rất khó xác định sự chênh lệnh giữa số lượng thuốc nổ đã sử dụng thực tế so với số lượng thuốc nổ lập trong hộ chiếu nổ mìn

            Ở khâu cấp phép hoạt động VLNCN, thông qua kiểm tra thực tế có thể thấy tại nhiều địa phương, hoạt động cấp giấy phép sử dụng VLNCN chưa đúng đối tượng, mở rộng các điều kiện đối với đối tượng sử dụng VLNCN trái quy định. Tại Hội nghị công thương 14 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc lần thứ X tổ chức tại Hoà Bình vào cuối tháng 8/2008, nhiều đại diện  Sở Công Thương đã kiến nghị về sự thiếu thống nhất trong khâu cấp phép, thu lệ phí cấp phép. Công tác đào tạo, cấp sổ nổ mìn, chứng nhận chỉ huy nổ mìn cũng chưa được thống nhất giữa các tỉnh có tỉnh do Sở Công Thương cấp, có tỉnh do Sở LĐ-TB&XH cấp...

            Một trong những kiến nghị của đại diện các Sở Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước sớm có văn bản định hướng cho các địa phương có kế hoạch giảm bớt số đơn vị sử dụng VLNCN có quy mô nhỏ, lẻ, hoạt động không thường xuyên. Thường xuyên phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm về công tác quản lý, sử dụng VLNCN...

Quy về một mối

Trước thực trạng công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) còn nhiều bất cập, đặc biệt ở khâu cấp giấy phép hoạt động VLNCN, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng Nghị định về VLNCN. Theo dự thảo Nghị định, tổ chức, cán nhân tham gia hoạt động VLNCN chỉ được hoạt động khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép và phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn về VLNCN.

Đặc biệt, để chấm dứt tình trạng bung ra của các đơn vị, tổ chức kinh doanh VLNCN gây nguy hiểm cho cộng đồng, môi trường, Nghị định đã quy định tổ chức sản xuất, kinh doanh VLNCN phải là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và được Thủ tướng giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công Thương. Tổ chức này phải có địa điểm, cơ sở, nhà xưởng sản xuất và kho chứa, bến cảng, nơi tiếp nhận bốc dỡ VLNCN đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ.

Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động VLNCN. Cơ quan quản lý chuyên ngành VLNCN thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, Giấy phép kinh doanh VLNCN và Giấy phép dịch vụ nổ mìn...Giấy phép vận chuyển VLNCN sẽ do Bộ Công an cấp, điều chỉnh và thu hồi.

Xuân Hoa 

Xem thêm »