Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Tiếp tục mở rộng đối tượng chịu thuế

03/11/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự thảo Luật lần này tập trung vào việc điều chỉnh mở rộng đối tượng chịu thuế và điều chỉnh mức thuế cho phù hợp hơn, đảm bảo điều tiết hợp lý đối với bộ phận dân cư có thu nhập cao liên quan đến các đối tượng chịu thuế.

Trong bài viết này, tác giả giới thiệu đến bạn đọc về quá trình mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) kể từ khi sắc thuế này được đưa vào áp dụng từ năm 1990 đến nay.

1. Khái quát về thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế TTĐB là loại thuế đánh vào một số hàng hoá, dịch vụ đặc biệt, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thuế TTĐB là một trong những công cụ kinh tế để nhà nước điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư có thu nhập cao, hướng dẫn tiêu dùng hợp lý. Thuế TTĐB không đánh vào tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ mà chỉ đánh vào một số loại hàng hoá, dịch vụ đặc biệt Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng. Mức độ động viên của Nhà nước thông qua thuế TTĐB thường cao hơn so với mức độ động viên thông qua các loại thuế gián thu khác. Bản thân thuế TTĐB cũng là một loại thuế gián thu, do đó thuế suất cao sẽ làm cho giá bán hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tăng lên. Hệ quả là đối tượng tiêu dùng các mặt hàng và dịch vụ chịu thuế TTĐB không thể là quảng đại quần chúng lao động mà chỉ là những tầng lớp khá giả trong xã hội.

Như vậy, thông qua việc thu thuế TTĐB, Nhà nước có thể định hướng tiêu dùng xã hội; mặt khác có thể huy động một bộ phận thu nhập của những đối tượng có khả năng tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ không thiết yếu, không khuyến khích tiêu dùng vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho những mục tiêu công cộng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. 

2. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990

Tại Việt Nam, thuế TTĐB mới được đưa vào áp dụng từ năm 1990 theo Luật Thuế TTĐB được Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ Bảy thông qua ngày 30/6/1990, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/1990. Đạo luật đầu tiên về thuế TTĐB này đánh vào 6 mặt hàng sản xuất trong nước là: thuốc hút (bao gồm thuốc lá lá, thuốc lá sợi và thuốc là điếu); rượu; bia các loại; pháo; bài lá và vàng mã.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 05/7/1993, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/1993 đã thu hẹp diện các mặt hàng chịu thuế xuống còn 4 loại hàng hoá chịu thuế là thuốc lá điếu; rượu; bia và pháo (bỏ mặt hàng bài lá và vàng mã).

Lần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB vào năm 1995 đánh dấu một bước phát triển trong quá trình hoàn thiện pháp luật thuế TTĐB, thể hiện ở chỗ đạo luật này đã mở rộng diện các mặt hàng chịu thuế TTĐB và đánh vào những hàng hoá không chỉ sản xuất trong nước mà còn đánh cả vào hàng hoá xuất khẩu. Cụ thể, theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB năm 1995, các mặt hàng chịu thuế bao gồm: thuốc lá điếu; rượu; bia; pháo; xăng và ôtô nhập khẩu từ 24 chỗ ngồi trở xuống. Xăng và ô tô nhập khẩu từ 24 chỗ ngồi trở xuống là những mặt hàng mới được đưa vào danh mục mặt hàng chịu thuế TTĐB. 

3. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998

Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về việc mở rộng diện đánh thuế TTĐB hoặc tăng mức thuế đối với những mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng; đồng thời để phối hợp đồng bộ với Luật Thuế giá thị gia tăng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/1999, ngày 20/5/1998, Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ Ba đã thông qua Luật Thuế TTĐB mới thay thế Luật năm 1990 và các Luật sửa đổi, bổ sung năm 1993 và 1995. Đạo luật mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999.

Theo Luật Thuế TTĐB năm 1990 và các Luật sửa đổi, bổ sung năm 1993 và 1995, thuế TTĐB mới chỉ thu vào một số hàng hoá được coi là đặc biệt, không thực sự cần thiết cho đời sống mà chưa đánh vào những dịnh vụ không khuyến khích tiêu dùng. Khắc phục những hạn chế này, Luật năm 1998 đã xây dựng theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB, theo đó, không chỉ hàng hoá mà cả dịch vụ được coi là không thiết yếu đều phải chịu thuế. Hơn nữa, Luật năm 1998 khi quy định về hàng hoá chịu thuế, không phân biệt về nguồn gốc hàng hoá, bất kể sản xuất trong nước hay nhập khẩu, nếu thuộc danh mục chịu thuế TTĐB đều làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu mặt hàng đó.

So với Luật Thuế TTĐB cũ, Luật năm 1998 đã bỏ mặt hàng pháo nhưng đưa thêm ba nhóm hàng hoá khác vào danh mục mặt hàng chịu thuế đó là điều hoà nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã (bài lá; vàng mã là 2 mặt hàng đã từng là đối tượng chịu thuế theo Luật năm 1990). Điểm nổi bật của Luật năm 1998 so với Luật cũ là đã đưa dịch vụ không thiết yếu vào danh mục đối tượng chịu thuế TTĐB, theo đó có bốn nhóm dịch vụ phải chịu thuế là kinh doanh vũ trường, mát-xa, ka-ra-ô-kê; kinh doanh ca-si-nô, trò chơi bằng máy giắc-pót; kinh doanh vé đặt cược đua ngựa, đua xe và kinh doanh gôn bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn.

Tại kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khoá XI, ngày 17/6/2003, Luật Thuế TTĐB năm 1998 đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2004. Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung lần này là sửa đổi về đối tượng chịu thuế, vẫn theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB. Luật sửa đổi, bổ sung năm 2003 đưa thêm dịch vụ kinh doanh xổ số vào dịch vụ chịu thuế. Đây là dịch vụ trước đây chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng là 20%. Do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2003 giảm mức thuế suất áp dụng cho hoạt động kinh doanh xổ số xuống 10% nên để đảm bảo số thu ngân sách nhà nước không bị giảm sút do có sự sửa đổi về thuế suất nói trên, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB đã bổ sung thêm vào đối tượng chịu thuế TTĐB dịch vụ kinh doanh xổ số.

Luật sửa đổi, bổ sung năm 2003 cũng mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB bằng cách mở rộng loại hình kinh doanh dịch vụ giải trí có đặt cược phải chịu thuế. Theo đó, thuế TTĐB không chỉ đánh vào hoạt động "kinh doanh vé đặt cược đua ngựa, đua xe" mà đánh vào tất cả các loại hình "kinh doanh giải trí có đặt cược".

Ngày 29/11/2005, Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ Tám đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung lần này không mở rộng đối tượng chịu thuế mà chỉ sửa đổi mức thuế suất của từng mặt hàng.

Như vậy, có thể thấy, từ năm 1990 đến nay, Luật Thuế TTĐB qua những lần sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới, nhìn chung đều có xu hướng mở rộng đối tượng chịu thuế.

4. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) năm 2008

Theo kế hoạch, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB.

Theo dự thảo, Luật sửa đổi, bổ sung lần này sẽ điều chỉnh mở rộng đối tượng chịu thuế. Cụ thể là:

- Đối với mặt hàng ôtô, dự thảo sẽ bổ sung ôtô dưới 24 chỗ ngồi thiết kế vừa chở người vừa chở hàng vào diện chịu thuế. Theo quy định hiện hành, ôtô dưới 24 chỗ ngồi thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB được phân ra làm 3 nhóm: từ 5 chỗ ngồi trở xuống; từ 6 đến 15 chỗ và từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi. Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) dự kiến thay đổi cách phân nhóm ứng với từng thuế suất khác nhau nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm nhiên liệu;

- Đối với mặt hàng thuốc lá sẽ bổ sung “các chế phẩm từ lá thuốc lá” vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm bao quát hết các chế phẩm khác từ lá thuốc lá;

- Bổ sung xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 phân khối trở lên; Tàu bay và du thuyền vào diện chịu thuế TTĐB.

Ngày 27/10/2008, Quốc hội đã dành trọn buổi sáng để thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).

Đối tượng chịu thuế TTĐB là phần có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược giữa các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, đến nay, mặt hàng điều hòa nhiệt độ không còn là mặt hàng xa xỉ đối với người dân; chủ yếu người dùng quan tâm đến tiền điện phải chi trả khi dùng điều hòa. Mặt khác, khi so sánh với những mặt hàng tiêu dùng cao cấp khác như ti vi Plasma thì điều hòa chưa phải là mặt hàng quá đắt tiền. Vì vậy, nên tính toán đưa mặt hàng này ra khỏi diện chịu thuế. Cùng tán thành quan điểm này có các đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương), Hà Tuấn Hải (Phú Thọ), Trần Văn Tấn (Tiền Giang)...

Tuy nhiên, đa số các đại biểu Quốc hội chưa muốn đưa mặt hàng điều hòa nhiệt độ ra ngoài đối tượng chịu thuế TTĐB. Nhưng, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, nếu vẫn giữ điều hòa nhiệt độ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB thì cần nghiên cứu hạ mức thuế suất.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung dịch vụ thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp, giải phẫu thẩm mỹ; mặt hàng đá quý, pha lê cao cấp; kinh doanh trò chơi điện tử cao cấp vào danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB.

Dự kiến ngày 14/11/2008, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).

Theo Tờ trình dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày trước Quốc hội, Thuế TTĐB là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tổng thu thuế TTĐB tăng qua các năm, năm 2003 là 11.046 tỷ đồng, năm 2004 là 14.861 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2003;  năm 2005 là 18.326 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2004; năm 2006 là 20.835 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2005 và năm 2007 là 26.564 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2006.

Theo Bộ Tài chính, thuế TTĐB là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu ngân sách từ thuế này trong tổng thu ngân sách từ thuế, phí và lệ phí không ngừng tăng, cụ thể qua các năm: năm 2003 là 6,39%, năm 2004 là 7,45%, năm 2005 là 7,73%, năm 2006 là 7,46% và năm 2007 là 9,49%.

Trong tổng thu từ thuế TTĐB thì số thu từ các mặt hàng ôtô, thuốc lá và rượu, bia chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Dự báo thuế TTĐB tiếp tục là nguồn thu ổn định trong những năm tới của ngân sách nhà nước./.

Đình Tuyên



 

 

Xem thêm »